Chủ Nhật, 28/05/2017, 09:21 (GMT+7)
.

Không phân biệt đối xử các đơn vị sự nghiệp 'công' hay 'tư'

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trong chủ trương đầu tư, quản lý không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư” mà phải đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Thành phố Hà Nội về vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Thành phố Hà Nội về vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phục vụ việc hoàn thiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6, chiều 27/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL đã làm việc với Thành phố Hà Nội.

Cùng tham dự buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo có lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hà Nội.

Hà Nội chưa có đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các ĐVSNCL cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị.

Số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ tài chính năm 2016 là 2.596 đơn vị, tăng 82 đơn vị so với năm 2011, trong đó có 70 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (tăng 15 đơn vị); 1.353 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên (tăng 113 đơn vị); số đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 1.173 (tăng 33 đơn vị).

Số thu của các ĐVSNCL của Hà Nội đã bù đắp được 40% nhu cầu chi thường xuyên. Tới nay, Hà Nội chưa có ĐVSNCL nào tự chủ hoàn toàn, bao gồm tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Trong khi đó, số nhân lực làm việc trong các ĐVSNCL năm 2016 là 145.892 người, tăng hơn 34.000 người, trong đó số lao động được cơ quan có thẩm quyền giao tăng hơn 29.000 người, còn lại là số lao động hợp đồng (tăng khoảng 5.000 lao động).

Giải thích biên chế tăng thêm, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết trong giai đoạn 2011- 2016, UBND Thành phố giao tăng thêm 29.168 biên chế so với năm 2011 trong đó tăng biên chế của các lĩnh vực y tế và giáo dục là 28.364 biên chế. Theo đó, UBND đã tuyển dụng 16.278 giáo viên hợp đồng vào biên chế theo lộ trình tới năm 2015 đủ về số lượng, trình độ chuyên môn theo chuẩn.

Đối với các ngành khác, Hà Nội thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, không giao biên chế tăng thêm cho các tổ chức ngoài ngành y tế, giáo dục.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị  Hà Nội chú ý đánh giá kỹ việc thực hiện tự chủ về tài chính- bước quan trọng để thực hiện tự chủ biên chế, nhân sự. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội chú ý đánh giá kỹ việc thực hiện tự chủ về tài chính- bước quan trọng để thực hiện tự chủ biên chế, nhân sự. Ảnh: VGP/Thành Chung

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết việc sắp xếp các đơn vị của Hà Nội không xảy ra đơn thư khiếu nại vì Hà Nội chưa sắp xếp các lĩnh vực thiết yếu ảnh hưởng tới vấn đề dân sinh, như Sở NN&PTNT giảm được 11 đơn vị.

Ở quận, huyện, Hà Nội sắp xếp trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục, thể thao và đài truyền thanh huyện thành một đơn vị...

“Qua sắp xếp, Hà Nội đã giảm 231 cấp trưởng, 116 cấp phó trưởng phòng. Chúng tôi sẽ tiếp tục giảm các cấp phó”, ông Sáng cho biết.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết Thành phố thực hiện sắp xếp, giảm số lượng ĐVSNCL dựa trên các quy định của pháp luật. Trong thực tiễn, các lĩnh vực có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau thì được sáp nhập lại.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng nêu một số bất cập trong quản lý, sắp xếp các ĐVSNCL khi quy định các xã, phường phải có trạm y tế nhưng lại có bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố nằm trên địa bàn xã, phường đó thì có cần phải xây dựng trạm y tế nữa không?...

Thành phố Hà Nội cho rằng để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, các Bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ, nhất là tự chủ tài chính để địa phương triển khai.

Đánh giá kỹ mức độ tự chủ tài chính

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Hà Nội đã có những bước đi phù hợp và đạt được những kết quả ban đầu trong đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL trong thời gian qua.

Tuy nhiên, mức độ tự chủ của các ĐVNSCL của Thành phố vẫn còn hạn chế và đề nghị Hà Nội cũng như các bộ, ngành đánh giá kỹ vấn đề này, trong đó chú ý đánh giá việc thực hiện tự chủ về tài chính- là bước quan trọng để thực hiện tự chủ biên chế, nhân sự.

Quang cảnh buổi làm việc Ảnh: VGP/Thành Chung
Quang cảnh buổi làm việc Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ thực hiện tự chủ tài chính trong hoàn cảnh hiện nay không dễ do liên quan tới việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các vấn đề bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Đi liền với đó là tăng cường yêu cầu giám sát của Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và tự quản lý của các ĐVSNCL.

Theo Phó Thủ tướng, trong chủ trương đầu tư, quản lý không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư” mà phải đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Hà Nội tiếp tục hoàn thiện báo cáo để làm căn cứ cho Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Trung ương. Đặc biệt, Hà Nội đánh giá kỹ xu hướng xã hội hóa giáo dục ở các cấp mầm non, phổ thông hay việc sắp xếp lại mạng lưới ĐVNSCL theo hướng ngành, lĩnh vực hay theo địa bàn để giảm đầu mối, giảm định biên và nâng cao chất lượng dịch vụ.

(Theo chinhphu.vn)

Để phục vụ việc hoàn thiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các ĐVSNCL trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL làm việc với các bộ, ngành liên quan, TP. Hà Nội và TPHCM.

Ngày 20/5 vừa qua, Đoàn công tác đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế- hai ngành có khoảng 2,2 triệu lao động trong lĩnh vực dịch vụ công.

Việc xây dựng, hoàn thiện Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới hoạt động của các ĐVSNCL, nhằm mục đích tinh gọn bộ  máy, đầu mối ĐVSNCL, thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, làm nền tảng cải cách tiền lương và cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu của người dân, xã hội.

 

.
.
.