Thứ Hai, 15/05/2017, 21:03 (GMT+7)
.

Lao động nam khó xin việc trong các khu, cụm công nghiệp

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ xin làm công nhân là đơn giản, thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược với những lao động nam. Để có thể vào làm ở một công ty trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, một số lao động nam còn phải chi tiền “cò”.

Lao động nam cần rèn luyện tác phong công nghiệp để cơ hội tìm được việc làm cao hơn. 					        Ảnh: Ngô Tông
Lao động nam cần rèn luyện tác phong công nghiệp để cơ hội tìm được việc làm cao hơn. Ảnh: Ngô Tông

Anh L.D.K, huyện Cai Lậy cho biết: “Nhiều công ty trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh treo bản tuyển dụng nhưng không phải dễ xin vào làm. Tôi gửi hồ sơ đến 5 công ty ở KCN Long Giang và Tân Hương, nhưng hơn 1 tháng sau vẫn chưa được liên lạc. Mình đến hỏi thì bảo vệ nói đã chuyển cho bộ phận chuyên môn xử lý. Để trang trải cuộc sống, tôi đã xin làm bảo vệ tạm thời chờ công ty gọi, nhưng đến nay đã 3 tháng vẫn chưa thấy hồi âm”.

Anh N.V.N, xã Trung An, TP. Mỹ Tho có vợ đang làm công nhân ở KCN Mỹ Tho, nhưng anh phải lên Bình Dương để làm công nhân vì không xin được việc làm trong các khu, cụm công nghiệp ở Tiền Giang. Hơn 1 năm sau, anh mới tìm được việc làm trong một công ty đóng trên địa bàn xã Bình Đức. May mắn hơn, anh N.V.H. sau hơn 1 tháng vất vả tìm việc ở các công ty trong khu, cụm công nghiệp cũng đã tìm được việc làm, nhưng phải tốn tiền “cò”. Anh H. cho biết: “Lúc đầu, tôi cũng gửi hồ sơ một vài nơi, chờ mãi không thấy hồi âm, sau đó có người quen hướng dẫn cách xin việc trong một công ty ở KCN Mỹ Tho. Tôi phải chi cho người quản lý 3 triệu đồng mới xin vào làm được, mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng”.

Theo một số công nhân làm việc ở KCN Long Giang, thì nam rất khó xin việc, nếu muốn làm phải có người quen là quản lý giới thiệu hoặc chi tiền “cò” với mức giá chung cho một suất lao động nam là 3 triệu đồng. Trong vai người đi tìm việc, tôi được giới thiệu đến gặp anh T.V.C, người quản lý của một công ty ở KCN Mỹ Tho. Anh V.C. cho biết, công ty hiện chỉ tuyển nữ, không có nhu cầu tuyển nam, nếu muốn vào làm phải gửi 3 triệu đồng anh sẽ giới thiệu, nhưng phải đảm bảo làm việc tốt, chấp hành nghiêm kỷ luật để không ảnh hưởng đến anh. Trường hợp của anh Phan Minh Huân, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy gửi hồ sơ cho người anh họ làm quản lý trong công ty, nhưng cũng phải đợi đến gần 2 tháng mới được nhận vào làm.

Hiện nay có trên 66 ngàn công nhân, lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó nữ chiếm đến hơn 85%. Anh Lê Hoàng Hiếu, cán bộ Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nữ nhiều hơn nam, lý do là công việc phù hợp với nữ hơn nam. Ví dụ, ngành may mặc, may túi xách, giày da... nữ sẽ khéo léo, phù hợp hơn nam, chỉ tuyển nam trong trường hợp có tay nghề. Đến cả bảo vệ, hiện nay nhiều công ty cũng ưu tiên nữ.

Theo anh Hiếu, các công ty e ngại tuyển nam nguyên nhân một phần do một số trường hợp lao động nam còn tác phong nông nghiệp, làm việc thiếu kỷ luật, ăn nhậu, quậy phá nên để lại ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng. Khi thấy hồ sơ xin việc nam là nhà tuyển dụng e ngại vì sợ không chấp hành tốt kỷ luật của công ty.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách, chế độ chăm lo cho công nhân nhằm giữ chân lao động. Cùng với việc chăm lo tốt đời sống cho công nhân, nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi tiêu chuẩn ở người lao động cao hơn. Vì vậy, tỷ lệ chọi cho từng vị trí tuyển dụng đã tăng lên, doanh nghiệp được quyền lựa chọn những lao động đáp ứng yêu cầu công việc tốt hơn. Anh Hiếu cho biết thêm: Về phía Công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các trường hợp lao động nam không đáp ứng được yêu cầu công việc, không chấp hành kỷ luật bị công ty ngừng ký hợp đồng thì lỗi không phải ở phía công ty.

Thiết nghĩ, các lao động nam đang làm việc ở các khu, cụm công nghiệp cần rèn luyện tác phong công nghiệp, siêng năng, chăm chỉ, chấp hành nghiêm kỷ luật, không tự ý nghỉ việc, gây rối trật tự… để nhà tuyển dụng có cái nhìn thiện cảm. Từ đó, cơ hội việc làm cho lao động nam sẽ được tăng lên.

QUỐC TUẤN

.
.
.