Thứ Hai, 29/05/2017, 15:01 (GMT+7)
.

Người nuôi heo tự "cứu" mình

Sau Hội nghị “Tìm giải pháp cấp bách tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh”, các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện đã tích cực hỗ trợ tìm đầu ra cho người nuôi heo. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra chưa thiết thực nên chưa cứu vãn được tình hình khó khăn trong chăn nuôi heo hiện nay. Giờ đây, người nuôi không thể tiếp tục trông chờ thêm từ các ngành chức năng mà phải tự “cứu” mình.

Người mua chọn thịt tại sạp thịt heo của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Người mua chọn thịt tại sạp thịt heo của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Sau khi nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mời tham gia Hội nghị “Tìm giải pháp cấp bách tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Trần Hoàng Bá (huyện Chợ Gạo) rất vui mừng vì tin rằng ở đây có đầy đủ các ngành chức năng sẽ tìm được phương án “cứu” người nuôi heo (trong đó có ông). Thế nhưng sau khi tham dự hội nghị xong, ông Bá đã không thấy được hướng giải quyết nào khả thi. Ông Bá cho biết, trang trại của ông nuôi trên 18.000 con heo và liên tục thua lỗ vì giá xuống quá thấp. Trong suốt thời gian qua, gia đình ông phải tự “cứu” mình bằng cách giết mổ heo của trang trại mang đến bán tại sạp Kim Cương (phường 7, TP. Mỹ Tho). Giá bán hợp lý nên người tiêu dùng đã tìm đến mua nhiều hơn. Ông Lê Huỳnh Minh Triết, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thức ăn gia súc Bình Minh (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) cũng cho biết, giờ đây, HTX phải tự “cứu” thôi. Lượng heo của HTX tồn ngày càng nhiều, trong khi giá bán cũng chẳng nhích lên. Để hạn chế tình trạng thua lỗ thêm, HTX đang chuẩn bị mở sạp bán thịt heo (dự kiến đầu tháng 6) nhằm giảm bớt lượng heo tồn và tránh lỗ thêm nữa.

Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã biết trước tình hình nguồn heo tồn đọng vì Trung Quốc siết chặt nhập tiểu ngạch heo từ Việt Nam. Sau đó, Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc gửi cho các tỉnh, thành trên cả nước để giảm đàn nhằm tránh tình trạng lượng heo tồn đọng, giá cả xuống thấp gây khó khăn cho người chăn nuôi… Vậy mà cũng không tránh khỏi những thiệt hại

* Sau Hội nghị “Tìm giải pháp cấp bách tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh”, Sở NN&PTNT đã có công văn báo cáo kết quả hội nghị gửi UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo các đơn vị có liên quan. Nhưng đến nay, UBND tỉnh chưa trả lời vấn đề này nên các sở, ngành còn lúng túng trong việc triển khai, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Tương tự, trước tình trạng đang tồn trên 150 con heo trên 100 kg, bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ trang trại nuôi heo ở ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) bày tỏ: Bà đã nghe thông tin các ngành chức năng của tỉnh đang tìm giải pháp để “cứu” người chăn nuôi heo nhưng đến nay chưa nghe người nuôi nhận được sự hỗ trợ nào. Có chăng chỉ là chủ trương cho các trang trại mở sạp bán thịt heo để tự “cứu” mình. Do đó, bà Loan cũng đang dự tính sẽ mở sạp bán thịt heo ở đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 2, TP. Mỹ Tho) vào đầu tháng tới.

Cũng như một số trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh, sau thời gian khó khăn về đầu ra, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã phải tổ chức các sạp bán thịt heo để giảm bớt lượng heo tồn (tại Tiền Giang, công ty còn tồn trên 3.000 con heo từ 100 kg trở lên) cũng như hạn chế thua lỗ. Sáng 27-5, công ty đã mở 1 sạp bán thịt heo ở Cụm công nghiệp Trung An (xã Trung An, TP. Mỹ Tho). Tại đây, để khuyến khích người mua, công ty đã khuyến mãi tặng 6 trứng gà khi người tiêu dùng mua 2 kg thịt heo.

Tại Hội nghị “Tìm giải pháp cấp bách tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh” do Sở NN&PTNT tổ chức vừa qua, chúng tôi ghi nhận có rất ít ý kiến về giải pháp để người nuôi heo đạt hiệu quả và bền vững; dường như không có các thông tin dự báo về thị trường trong thời gian tới. Nếu không quy hoạch lại chăn nuôi theo nhu cầu thị trường và tổ chức liên kết sản xuất thành chuỗi khép kín thì chăn nuôi heo nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung sẽ tiếp tục gặp lại tình cảnh như hôm nay.

SĨ NGUYÊN

Sáng 27-5, nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp bắt đầu mở sạp bán thịt heo để giảm bớt khó khăn. Cụ thể, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam mở điểm bán tại Cụm công nghiệp Trung An (xã Trung An, TP. Mỹ Tho); trang trại Nguyễn Thị Kim Phượng ở ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh mở 3 sạp ở chợ Mỹ Tho (phường 1), Quốc lộ 50 (xã Tân Mỹ Chánh) thuộc TP. Mỹ Tho và chợ Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo). Thịt heo ở các sạp này có giá: Thịt vai đùi, nạc đùi, xương đùi 50.000 đồng/kg; cốt lết, sườn 70.000 đồng/kg; xương ống 40.000 đồng/kg; chân và giò 45.000 đồng/kg… Tuy nhiên, giá bán thịt ở các sạp còn chưa thống nhất, chưa có quy định về khung giá. Mặt khác, dù treo bảng bán thịt heo để chia sẻ khó khăn cho người chăn nuôi nhưng có một số sạp bán giá cao hơn các sạp ở chợ nên người tiêu dùng “chê”.

 

 

.
.
.