Thứ Năm, 22/06/2017, 14:42 (GMT+7)
.

Cần có cái nhìn đúng khi báo chí giới thiệu các mô hình kinh tế

Vấn đề này đã được cánh nhà báo bàn luận rất nhiều nhưng xem ra vẫn còn một bộ phận không nhỏ nông, ngư dân còn có cái nhìn thiếu thiện cảm khi nhà báo có ý định viết bài các mô hình kinh tế có hiệu quả. Nhân dịp Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017), chúng tôi xin trao đổi một vài cảm nghĩ về vấn đề này.


Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn cũng như chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Phú Đông xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến như: Nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới... Để kịp thời phát hiện và nhân rộng những điển hình nói trên, thời gian qua, các nhà báo ở địa phương đã chịu khó lặn lội đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh để đưa tin, viết bài biểu dương những nông dân cần cù vượt khó, siêng năng lao động, học tập kinh nghiệm sản xuất có hiệu quả... Những bài báo như thế đã tạo được sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, trở thành những “địa chỉ đỏ” để nông dân tìm đến học tập, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi ngày càng phát triển. Kết quả đó đã mang lại nhiều niềm vui cho những nhà báo khi viết về đề tài nông dân SX-KD giỏi.

Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa thật sự trọn vẹn khi trong quá trình tác nghiệp, nhà báo đã gặp phải một số “phản ứng” từ chính nhân vật trong bài viết của mình. Bởi hiện nay có một số nông, ngư dân cho rằng: Mô hình đang phát triển tốt mà để cho nhà báo đến chụp hình, quay phim thì sẽ bị rủi ro như thất mùa, thậm chí bị phá sản… Chính nhận thức có phần “duy tâm” này đã tạo thành rào cản cho các nhà báo khi tiếp cận với những mô hình nông dân SX-KD giỏi. Mặc dù trong thực tế cuộc sống cũng có vài trường hợp mô hình chăn nuôi, trồng trọt đang phát triển thuận lợi nhưng sau khi được đăng trên báo hoặc phát trên đài phát thanh, truyền hình thì có dấu hiệu “chựng lại”. Thông thường do các nguyên nhân như giá cả nông sản không ổn định làm cho người nông dân SX-KD không có lời; dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng, vật nuôi ngay sau khi mô hình vừa được đăng tải. Thế là mọi rủi ro đều đổ hết cho việc chụp ảnh, quay phim, viết bài. Như vậy có oan cho nhà báo?

Đó cũng chính là niềm trăn trở của phần lớn nhà báo ở địa phương hiện nay khi viết về đề tài nông dân SX-KD giỏi. Riêng người viết bài này có lẽ do “may mắn” nên không những chưa lần nào bị “đổ lỗi” mà ngược lại còn được bà con thường hay mời đến tham quan mô hình. Cụ thể như anh Nguyễn Hồng Phước, ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh, nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền dù nhiều lần “bị” đăng trên báo, phát trên đài mà mô hình vẫn phát triển rất tốt. Đó là nhờ anh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý dịch bệnh tốt nên diện tích thả nuôi tôm ngày càng mở rộng, sản lượng thu hoạch ngày càng nâng lên. Chia sẻ về quan niệm trên, anh Phước nói: “Nhà báo cứ thoải mái đến quay phim, chụp ảnh các đầm tôm nhà tôi. Thời gian qua cũng có nhiều nhà báo đã đến đây, tôi vẫn làm ăn bình thường chứ có sao đâu!”.

Đã đến lúc cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn về việc nhà báo tác nghiệp trên các mô hình kinh tế có hiệu quả. Bởi mục đích của họ không gì khác hơn là biểu dương nỗ lực vượt khó, siêng năng lao động, biết ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao, cần được nhân rộng để nông, ngư dân các nơi khác đến học tập, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần vào xây dựng quê hương.

                     QUỲNH NHƯ

.
.
.