Thứ Năm, 22/06/2017, 17:02 (GMT+7)
.

Giai đoạn 1 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ có 4 làn xe

Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án được điều chỉnh từ 2 lên 4 làn xe.

Đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được đầu tư 4 làn xe. Ảnh: Vân Anh
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được đầu tư 4 làn xe. Ảnh: Vân Anh

Chiều 21-6, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết: “Theo quyết định cũ, giai đoạn 1 của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư với chiều rộng 13,75 mét, gồm 2 làn xe lưu thông, không có dải phân cách cứng ở giữa. “Nhưng theo quyết định điều chỉnh, thì giai đoạn 1 của dự án có chiều rộng 17 mét, gồm có 4 làn xe lưu thông và có dải phân cách”.

Theo ông Dũng, sau giai đoạn 1, dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ được mở rộng lên 6 làn xe, tương đương với chiều rộng 32 mét.

Về mức đầu tư của dự án, theo ông Dũng, hiện vẫn chưa chốt được tổng mức đầu tư, nhưng chắc chắn sẽ không lớn hơn tổng mức đầu tư theo phương án cũ (đã được phê duyệt trước đó), tức không lớn hơn 14.678 tỷ đồng.

Giải thích lý do quy mô dự án tăng, nhưng tổng mức đầu tư lại giảm, theo ông Dũng, do chi phí giải phóng mặt bằng giảm khoảng 1.300 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó. “Sau khi khảo sát thực tế, có tính toán lại vấn đề đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, thì có giảm so với trước đó”, ông Dũng cho biết và khẳng định một số nội dung khác có thay đổi cũng giúp tổng mức đầu tư của dự án giảm so với trước đó.

Về tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thuộc UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết kinh phí giải phóng mặt bằng đã quyệt là gần 1.170 tỷ đồng, trong đó, kinh phí bồi thường là gần 1.149 tỷ đồng (TX. Cai Lậy 306,3 tỷ đồng; huyện Cái Bè 501,81 tỷ đồng; huyện Châu Thành 130,51 tỷ đồng; huyện Tân Phước 48,46 tỷ đồng và huyện Cai Lậy 161,87 tỷ đồng).

Theo ông Sơn, kinh phí nhà đầu tư đã chuyển cho địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng là 703,55 tỷ đồng, trong đó, kinh phí chuyển trước ngày 20-6-2017 là 678,55 tỷ đồng và trong ngày 20-6 là 25 tỷ đồng. “Đối với kinh phí nhà đầu tư đã chuyển trước ngày 20-6 là 678,55 tỷ đồng, thì đã chi bồi thường cho các hộ dân được 653,71 tỷ đồng”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, tính đến nay, kinh phí nhà đầu tư vẫn chưa chuyển cho địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng là trên 463 tỷ đồng, trong đó, huyện Cái Bè 122,57 tỷ đồng; Châu Thành 55,79 tỷ đồng; huyện Cai Lậy 161,87 tỷ đồng và còn lại là ở TX. Cai Lậy.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu nhà đầu tư nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền còn lại để địa phương thực hiện chi trả bồi thường dứt điểm cho người dân.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.