Kinh tế Tiền Giang: Nhiều gam màu sáng
Bước vào năm 2017, mặc dù hạn, mặn không xảy ra quá gay gắt như năm 2016, nhưng thời tiết cũng có mặt bất lợi làm giảm năng suất vụ lúa đông xuân, heo liên tục bị rớt giá hoặc duy trì ở mức dưới giá thành chăn nuôi đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, nhờ triển khai hiệu quả 9 nhóm giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP, trong 6 tháng đầu năm, Tiền Giang tiếp tục đạt những kết quả quan trọng.
Cụ thể, trong khu vực I, tỉnh đã triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến các địa phương, 3 vùng của tỉnh và Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”. Kết quả bước đầu cho thấy, vụ lúa đông xuân năm 2016 - 2017 tuy năng suất chỉ đạt 65,7 tạ/ha, thấp hơn 5 tạ/ha so với vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 (do thời tiết) nhưng vẫn cao hơn 3 tạ/ha so với năng suất bình quân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nhờ giá lúa tăng 200 - 400 đồng/kg so với vụ đông xuân trước đó nên nông dân thu lợi bình quân 18,3 triệu đồng/ha (cao hơn 5,1 triệu đồng/ha so với vụ đông xuân trước). Các loại cây rau màu, cây ăn quả, đàn gia súc, gia cầm (trừ heo) cũng đều có tăng trưởng. Nhờ vậy mà 6 tháng đầu năm, tăng trưởng khu vực I đạt 6,72%, gần gấp đôi kế hoạch đề ra (kế hoạch từ 3,4 - 3,8%).
Trong khu vực II, tăng trưởng những tháng đầu năm đạt 17,3% (kế hoạch từ 16,8 - 17,6%). Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và giữ đà tăng trưởng cao, tăng 20,8% (kế hoạch đề ra tăng từ 19 - 19,4%). Theo báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Tiền Giang cao hơn gấp 2 lần chỉ số chung của toàn vùng.
Trong 6 tháng qua, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ta tăng, khả năng đạt kế hoạch năm đề ra trên 1,8 triệu lượt khách. Ảnh: Võ Nguyên Phú |
Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực vận động từ chính doanh nghiệp, còn là sự tác động của cơ chế, chính sách dưới sự tập trung lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp. Đó là ngay từ cuối năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Đây là lần đầu tiên tỉnh có nghị quyết riêng của Ban Chấp hành Đảng bộ dành cho doanh nghiệp, doanh nhân, và Tiền Giang cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này sau khi Chính phủ có Nghị quyết 35/NQ-CP về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Với Nghị quyết 06-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, có trách nhiệm đối với phát triển doanh nghiệp. Tinh thần chung của nghị quyết là nhằm xác định rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, lấy doanh nghiệp, người dân là đối tượng phục vụ với tinh thần Nhà nước kiến tạo, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp…
Trên cơ sở Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 100/KH-UBND ngày 12-3-2017 triển khai thực hiện nghị quyết trên với những giải pháp cụ thể, phân công cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu của đơn vị, phấn đấu chỉ tiêu thực hiện cao hơn kế hoạch đề ra, hằng quý có sơ kết, báo cáo đánh giá để có chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của tỉnh Tiền Giang lần lượt là 1,22 ngày và 0,99 ngày, nhanh nhất so với 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Từ sự tập trung lãnh, chỉ đạo của tỉnh, kết quả từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới duy trì ổn định hằng tháng. Đặc biệt, trong tháng 3, tỉnh đã thu hút 68 doanh nghiệp (tháng có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay). Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 295 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.566,9 tỷ đồng, tăng 9,3% về số doanh nghiệp và tăng 0,3% về vốn đăng ký.
Ngoài ra, trong 6 tháng qua, tỉnh cũng đã thu hút được 8 dự án đầu tư, trong đó có 3 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Long Giang, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 53,6 triệu USD, tổng diện tích thuê đất 13,03 ha; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án, trong đó có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 52,3 triệu USD và 3 dự án tăng diện tích thuê đất với diện tích thuê đất tăng thêm 7,5 ha. Dự kiến đến cuối tháng 6, tỉnh có 4 KCN đang hoạt động, đã thu hút được 90 dự án với diện tích 1.101,5 ha, vốn đầu tư hạ tầng khoảng 4.419 tỷ đồng. Trong đó, có 65 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.864,4 triệu USD và 3.983,6 tỷ đồng, diện tích cho thuê đất 483,4 ha/760,2 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 63,6%.
Sản xuất công nghiệp trong tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và giữ đà tăng trưởng cao. Ảnh: Phương Anh |
Trong khu vực III, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng khá: Kim ngạch xuất khẩu 1,28 tỷ USD, đạt 54,5% kế hoạch năm, tăng 10,9% so cùng kỳ. Từ kết quả trên, Sở Công thương dự báo, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cả năm 2,35 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt, thậm chí có thể vượt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng tăng 6,7%, đạt 49,1% kế hoạch và khả năng sẽ đạt kế hoạch năm. 6 tháng qua, tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang tăng 4,8% so cùng kỳ, khả năng đạt kế hoạch năm đề ra là 1,827 triệu lượt khách; tăng trưởng tín dụng cũng tương đối thuận lợi, với tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh tăng 31,3% so cùng kỳ và dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt kế hoạch đề ra (tăng 18% so với năm 2016). Cùng với đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng tăng khá, đạt 57,9% so dự toán năm và tăng 13,7% so cùng kỳ. Từ đó, dự báo khả năng thu ngân sách của tỉnh năm nay sẽ vượt dự toán đề ra từ 5 - 6%.
Từ những kết quả nổi bật trên, GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã đạt mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây: Tăng 9,56%, cao hơn so kế hoạch đề ra từ 8,5 - 9%. Nếu diễn biến kinh tế thế giới và khu vực đúng theo dự báo mới đây của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB): Kinh tế toàn cầu năm 2017 khả năng đạt tăng trưởng 2,7% (năm 2016 là 2,5%) và Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng ổn định nhất châu Á, chúng ta có cơ sở để tin rằng, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, tăng trưởng của tỉnh năm nay hoàn toàn có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra.
PHÙNG QUỐC ANH