Thứ Ba, 27/06/2017, 06:25 (GMT+7)
.

Nếp bè Chợ Gạo mất dần thương hiệu

“Khoảng 1 - 2 năm nữa, cây nếp bè sẽ không còn ở huyện Chợ Gạo do hiệu quả kinh tế thấp, người dân chuyển sang trồng thanh long và các loại cây khác” - ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo cho biết như vậy khi nói về cây trồng đặc sản này của huyện.

Thu hoạch xong vụ nếp bè này, chị Lan cũng sẽ chuyển sang trồng thanh long.
Thu hoạch xong vụ nếp bè này, chị Lan cũng sẽ chuyển sang trồng thanh long.

Về Chợ Gạo trong những ngày cuối tháng 6, dạo quanh các vùng từng tạo nên thương hiệu nếp bè Chợ Gạo trứ danh như Thanh Bình, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, chúng tôi chỉ thấy toàn những vườn thanh long đang trổ bông. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được ruộng trồng nếp bè. Nhiều người dân địa phương cho biết, vào khoảng năm 2012, giá nếp bè quá thấp, đời sống người dân trồng nếp bè gặp nhiều khó khăn. Cùng thời điểm đó, giá thanh long lại cao, giúp nông dân vươn lên ổn định cuộc sống, từ đó đã đẩy cây nếp bè đứng trước nguy cơ bị mất đi. Để bây giờ chúng tôi đứng ở nơi từng tạo nên thương hiệu Nếp bè Chợ Gạo hỏi tìm một ruộng trồng nếp bè, nhiều người dân địa phương lại chỉ sang Tầm Vu (tỉnh Long An) nghe sao mà xót lòng.

Ông Phạm Thái Học, ấp Bình Long, xã Thanh Bình, từng có hơn 15 năm gắn bó với cây nếp bè nhưng giờ đã chuyển sang trồng thanh long chia sẻ: “Không xác định được nếp bè xuất hiện ở vùng đất này từ khi nào, nhưng vào khoảng năm 1998, người dân ở xã Thanh Bình và các xã lân cận ồ ạt chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nếp bè vì giá ổn định, hiệu quả mang lại cao hơn cây lúa. Nhìn thương hiệu đang dần mai một, tôi cũng tiếc lắm. Rồi đây thế hệ con cháu sau này sẽ không thể biết được cây nếp bè ngày nào đã mang lại cuộc sống ấm no cho cha, ông. Nhưng vì kinh tế, người dân buộc phải lựa chọn cây trồng nào mang lại hiệu quả cao hơn”.

Ông Phạm Văn Mười, ấp Bình Long, xã Thanh Bình, một trong số ít hộ nông dân hiện còn gắn bó với cây nếp bè nói: “Tôi còn trồng được ngày nào hay ngày đó. Bây giờ, người ta chuyển sang trồng thanh long nên những hộ riêng lẻ trồng nếp bè như tôi gặp nhiều khó khăn như máy không vào ruộng được, bị chuột phá, ruộng nếp không giữ nước được lâu do các ruộng xung quanh đã lên liếp trồng thanh long. Vì vậy, năng suất nếp bè bây giờ rất thấp, 1.000 m2 chỉ thu hoạch khoảng 500 kg (riêng vụ thu đông được khoảng 600 kg)”.

Ông Trần Văn Hòa cho biết: “Khu vực trồng nếp bè ngày trước gồm Thanh Bình, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An hiện nằm trong quy hoạch chuyển đổi cây trồng sang thanh long. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã chuyển được 5.000 ha sang trồng thanh long và huyện tiếp tục quy hoạch chuyển đổi cây trồng theo hướng này trong giai đoạn 2016 - 2020. Việc chuyển đổi diện tích cây trồng nơi đây nhằm nâng cao đời sống của người nông dân, vì hiệu quả kinh tế từ cây thanh long cao gấp 3 - 4 lần so với cây nếp bè”.

Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ trồng nếp bè ở xã Tân Bình Thạnh cho biết: Sau vụ hè thu này, chị cũng chuyển sang trồng thanh long. Khi được hỏi về thương hiệu Nếp bè Chợ Gạo sẽ ra sao nếu tiếp tục tình trạng này, chị ngậm ngùi: “Mất thương hiệu cũng tiếc, nhưng nếp bè trồng đơn lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nên cây dễ mắc bệnh như bị cháy lá, đạo ôn, chín sớm, từ đó năng suất nếp bè giờ đây không cao như lúc trước”.

Xã Hòa Tịnh ngày trước cũng từng là vùng chuyên canh trồng nếp bè, nhưng bây giờ chỉ còn rải rác vài đám ruộng ở gần lộ lớn, nơi thuận tiện cho cơ giới vào.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, diện tích nếp bè ngày càng bị thu hẹp. Với tình trạng này, không bao lâu nữa, cây trồng đặc sản này của huyện Chợ Gạo sẽ “vắng bóng” ở ngay cả vùng chuyên canh đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng một thời “Nếp bè Chợ Gạo”.

QUỐC TUẤN

.
.
.