Thứ Sáu, 30/06/2017, 14:55 (GMT+7)
.

Ngành Công nghiệp và dấu mốc 20 năm

Nếu tính từ thời điểm thành lập Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, ngành Công nghiệp Tiền Giang đã trải qua chặng đường đúng 20 năm, với những bước phát triển vượt bậc.

Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN của tỉnh.
Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN của tỉnh.

Thật ra, từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, Tiền Giang không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp mà trên cơ sở dựa vào vị thế và tiềm năng hiện hữu, tỉnh đã có những định hướng đầu tư đúng đắn để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp. Ngành Công nghiệp chế biến manh nha ra đời từ các cơ sở chế biến ngay trên vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, có nhiều doanh nghiệp (DN) mới ra đời trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX như: Xí nghiệp Cơ khí 1/5, Nhà máy Thức ăn gia súc Mỹ Tường (thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Chăn nuôi), Xí nghiệp Liên hợp Rau quả, Xí nghiệp Liên hợp Dừa Tiền Giang, Xí nghiệp May Mỹ Tho...

Điểm nhấn cho bước chuyển mình của ngành Công nghiệp Tiền Giang là sự ra đời của Công ty Liên doanh Rượu bia BGI vào năm 1992 và tiếp theo đó là hàng loạt công ty liên doanh ra đời. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1996 - 2000 là giai đoạn các thành phần kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài từng bước được hình thành, phát triển nhanh, mạnh, tạo sự đổi mới đáng kể của lực lượng sản xuất. Từ đó, kinh tế của tỉnh có bước phát triển rất quan trọng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm thời kỳ này đạt 8,1%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) đạt 14,2%/năm, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hằng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tiếp tục phát huy thế mạnh các ngành Công nghiệp, Thương mại, Dịch vụ và hướng vào xuất khẩu (XK). Và có lẽ dấu mốc phát triển của ngành Công nghiệp được đánh dấu khi lần đầu tiên Dự án Xây dựng Phát triển công nghiệp do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) thực hiện.

Điểm sáng trong xuất khẩu

Kim ngạch XK đã để lại nhiều ấn tượng trong chặng đường phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian qua. Cụ thể, nếu như năm 2009, kim ngạch XK của tỉnh chỉ đạt 416 triệu USD, năm 2010 đạt 495 triệu USD, sang năm 2011 đạt 740 triệu USD và năm 2012 là 890 triệu USD. Từ năm 2013, kim ngạch XK của tỉnh đã cán dấu mốc 1,04 tỷ USD, sang năm 2014 đã đạt 1,48 tỷ USD, năm 2015 đạt 1,76 tỷ USD, đến năm 2016 đạt 2,116 tỷ USD và dự kiến năm 2017 đạt 2,5 tỷ USD. Tiền Giang cũng trở thành 1 trong 15 tỉnh, thành có kim ngạch XK cao nhất trong cả nước.

Tiếp đó, các định hướng lớn và các chính sách về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng nguồn lực cho nền kinh tế được quan tâm và phát huy tác dụng mạnh mẽ. Cùng với chủ trương phát triển công nghiệp dẫn đến việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, mà điển hình là KCN Mỹ Tho ra đời vào năm 1997, làm cơ sở và tiền đề phát triển nhanh ngành Công nghiệp của tỉnh. Kết quả, giai đoạn 1995 - 2000, Tiền Giang đã thu hút 10,9 triệu USD từ nguồn vốn ODA và thu hút được 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 42,7 triệu USD.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, từ năm 2001 đến nay, Tiền Giang phát huy mạnh mẽ vai trò là tỉnh nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với tinh thần chủ động, sáng tạo trong đổi mới tư duy và tổ chức quản lý kinh tế, những năm gần đây, kinh tế - xã hội Tiền Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Song song đó là chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần tham gia phát triển kinh tế. Đó là động lực mạnh mẽ đẩy nhanh công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2000, Tiền Giang chỉ thu hút 11 dự án, với tổng vốn 2.200 tỷ đồng thì đến năm 2015, Tiền Giang đã thu hút 231 dự án, với tổng vốn 48.608 tỷ đồng, tăng gấp 22 lần so với năm 2000. Điều đáng ghi nhận là vào năm 2013 lần đầu tiên kim ngạch XK của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, là một trong các chỉ tiêu về đích sớm hơn so với chỉ tiêu kế hoạch 5 năm của tỉnh đề ra.

Ngành Công nghiệp Tiền Giang đã và đang tiếp tục tăng tốc. Số liệu đến cuối năm 2016 cho thấy, GTSXCN trên địa bàn tỉnh đạt gần 80.000 tỷ đồng, trong đó khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 55% và tăng hơn 24 lần so với năm 1997. Nếu tính đến 6 tháng đầu năm 2017, GTSXCN của tỉnh đạt hơn 47.045 tỷ đồng, tăng gần 21%. Trong mức tăng trưởng chung, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 99% GTSXCN. “Đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN, với tổng diện tích 2.083,5 ha, trong đó có 4 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động. Dự kiến đến cuối tháng 6, 4 KCN đang hoạt động với diện tích 1.101,5 ha, vốn đầu tư hạ tầng khoảng 4.419 tỷ đồng (100 triệu USD và 2.219 tỷ đồng), đã thu hút được 90 dự án (trong đó 65 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư 1.864,4 triệu USD và 3.983,6 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động, với 79 dự án đang hoạt động (trong đó có 7 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư là 4.401,87 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 96,93% diện tích đất công nghiệp”(1)...

PHƯƠNG ANH

1. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của UBND tỉnh.

Hiệu quả từ chương trình hợp tác

Trong thành công chung của ngành Công nghiệp Tiền Giang một phần cũng được ghi nhận từ kết quả của Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang giai đoạn 2009 - 2016. Trong giai đoạn này có 47 dự án đầu tư của các DN TP. Hồ Chí Minh đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Tiền Giang (4 dự án trong KCN và 43 dự án ngoài KCN), với tổng vốn đăng ký là 13.379 tỷ đồng. Theo đó, có 17 dự án đã đưa vào hoạt động, 20 dự án đang triển khai thực hiện và 10 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang triển khai thực hiện. Vốn đầu tư giải ngân thực tế của các dự án đến nay là 5.423 tỷ đồng, đạt hơn 45% so với tổng nguồn vốn đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận.

 

.
.
.