Thứ Ba, 20/06/2017, 21:29 (GMT+7)
.
ÔNG HUỲNH VĂN CHÂU:

Làm giàu từ bưởi da xanh

Phát huy tính năng động và sáng tạo của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Huỳnh Văn Châu, xã Long An, huyện Châu Thành đã nhạy bén chuyển đổi cây trồng vươn lên làm giàu từ cây bưởi da xanh ruột hồng.

Ông Châu kể, năm 1972, ông tham gia du lích ở xã Long An. Sau ngày giải phóng, ông trải qua nhiều đơn vị và nơi công tác khác nhau. Từ khi về tham gia công tác ở địa phương, ông cải tạo đất trồng các loại cây trồng như nhãn xuồng, sầu riêng… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, ông chuyển dần sang trồng bưởi da xanh ruột hồng. Nhờ thổ nhưỡng thích hợp cùng với những kinh nghiệm học hỏi được từ những hộ trồng bưởi đi trước nên việc chăm sóc cây bưởi của ông gặp nhiều thuận lợi.

Từ 2.000 m2 đất trồng bưởi da xanh ban đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục chuyển 5.000 m2 đất còn lại sang trồng bưởi da xanh. Hiện tại, với 7.000 m2 đất trồng bưởi da xanh của gia đình, ông Châu đã có hơn 2/3 diện tích đang cho trái ổn định (số diện tích còn lại sẽ cho trái vào vụ sau). Theo ông Châu, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, sau khoảng 2 năm trồng, cây bưởi da xanh bắt đầu cho trái. Hiện tại, bưởi da xanh đang có mức giá khá cao, hơn 50.000 đồng/kg.

Ông Châu chăm sóc bưởi da xanh.
Ông Châu chăm sóc bưởi da xanh.

Vụ tết vừa qua, ông Châu thu hoạch hơn 2 tấn bưởi, bán với giá 60.000 đồng/kg mang về nguồn thu cho gia đình khá cao. Gắn bó và “ăn nên làm ra” với cây bưởi da xanh, ông Châu đã tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm trong các khâu trồng và chăm sóc. Ông Châu nói: “Muốn trồng bưởi da xanh cho hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là khâu chọn giống, kế đến phải xử lý đất đúng kỹ thuật, mô đất phải cao khoảng 6 tấc, khi trồng cần bón lót phân hữu cơ và tùy theo giai đoạn của cây mà chọn bón loại phân phù hợp”.

Ngoài ra, ông Châu còn chia sẻ thêm kỹ thuật chăm sóc trái: “Bưởi da xanh ra hoa và cho trái quanh năm, nhưng cao điểm là khi mưa xuống hoa bắt đầu ra nhiều và khả năng đậu trái cao. Tùy theo tuổi thọ của cây mà nhà vườn để trái cho phù hợp, tránh để quá nhiều trái sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây cũng như chất lượng trái. Giai đoạn trái non phải tăng cường kiểm tra, phun thuốc theo định kỳ để không bị các loại sâu, rầy tấn công làm ảnh hưởng đến trái. Đặc biệt, khi trái gần bằng cổ tay, người trồng phải tiến hành bao trái để hạn chế bị sâu đục trái tấn công”.

Hiện tại, vườn bưởi da xanh của ông Châu đang sử dụng các loại phân do Trường Đại học Cần Thơ sản xuất. “Đây là loại phân có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, hằng tháng, Trường Đại học Cần Thơ đều cử cán bộ xuống vườn để nắm tình hình, sự phát triển của cây, đo độ dinh dưỡng của đất để cung cấp phân phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây. Chính vì thế, dù mùa khô hay mùa mưa, vườn bưởi da xanh của gia đình tôi vẫn được bón phân đúng cách, đúng liều lượng, cây phát triển tốt” - ông Châu nói.

Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông Châu còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật để bà con gắn bó, vươn lên làm giàu từ cây bưởi da xanh. Bên cạnh đó, gia đình ông Châu còn thu mua bưởi da xanh của bà con tại địa phương và các vùng lân cận, tạo đầu ra ổn định, hạn chế việc bưởi bị thương lái ép giá gây khó khăn cho người trồng, tạo sự phấn khởi để người dân an tâm, gắn bó với cây trồng này. Ông Châu nói: “Hiện nay, nông dân sợ nhất là trái bưởi làm ra bị thương lái ép giá. Chính vì thế, tôi phối hợp với các điểm thu mua để tạo đầu ra ổn định cho trái bưởi. Không dừng lại ở đó, chúng tôi đang chuẩn bị các bước để sản xuất bưởi sạch”.

MINH TOÀN

.
.
.