Thị trường nông sản: 2 gam màu và 1 điểm chung
Thời gian qua, thị trường nông sản thường xuyên xảy ra biến động về giá. Trong khi các loại nông sản như rau, quả đang tăng giá thì các sản phẩm từ chăn nuôi vẫn cứ “lận đận”. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện thì thị trường nông sản đang đi theo lối mòn: Nông sản vẫn loay hoay với “bài toán” đầu ra.
Người nông dân không thể “tự bơi” trong cơ chế thị trường. |
RAU, QUẢ TĂNG GIÁ
Qua ghi nhận của chúng tôi, nhiều loại nông sản như rau, quả trên địa bàn tỉnh đang đồng loạt tăng giá. Tại các huyện phía Đông, hầu hết các loại rau, màu đều tăng giá, nhiều loại giá tăng gần gấp đôi so với khoảng 1 tháng trước. Chị Trần Thị Thúy Diễm (ấp Long Bình, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) cho biết, 1,2 công ruộng trồng bí đao của chị thu hoạch cách đây khoảng 15 ngày, bán được giá
7.000 đồng/kg, thu lợi nhuận được khoảng 5 triệu đồng. Theo dự kiến, ruộng bí đao của chị Diễm có thể thu hoạch thêm 10 ngày nữa. Còn thương lái Lê Văn Hùng (phường 1, TX. Gò Công) cho biết: “Thời điểm này, hầu hết các loại rau, màu đều tăng giá. Trong đó, nhiều loại như: Mướp, bí đao, cải tiều… tăng giá gấp đôi. Rau, màu tăng giá do năng suất giảm vì ảnh hưởng của mưa nhiều”.
Tại huyện Tân Phú Đông, cây sả và mãng cầu Xiêm (2 cây trồng chủ lực của huyện) sau thời gian giá xuống thấp nay cũng đang tăng dần lên. Ông Nguyễn Trung Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết: “Toàn huyện có 1.500 ha sả và 1.300 ha mãng cầu Xiêm. Hiện huyện xuống giống khoảng 600 ha sả và 900 ha mãng cầu Xiêm đang cho trái. Giá sả đang có mức giá dao động từ 3.800 - 4.200 đồng/kg, giá mãng cầu Xiêm từ 13.000 - 17.000 đồng/kg”.
Tại huyện Châu Thành, trong các loại rau, màu, rau diếp cá có giá tăng cao nhất. Nếu như những tháng trước, giá rau diếp cá chỉ nằm ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg thì nay đã lên hơn 18.000 đồng/kg. Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến giá rau diếp cá tăng cao là do mưa nhiều dẫn đến nhiều diện tích bị úng.
Còn tại huyện Tân Phước, sau thời gian xuống thấp thì thời điểm này giá khóm đã tăng trở lại. Thương lái Nguyễn Minh Vuông (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước) cho biết: Giá khóm đã tăng dần khoảng 1 tháng nay. Giá khóm đang ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg. Số lượng khóm thu hoạch cũng đang khá dồi dào.
Ông Nguyễn Kế Bính, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông cho biết, thời gian này, các hộ trồng khóm đang bắt đầu thu hoạch rộ, mỗi tuần sản lượng thu hoạch được khoảng hơn 6.000 tấn. Với mức giá này, người trồng khóm có lợi nhuận tương đối khá.
Chăn nuôi vẫn đang “lận đận”. |
CHĂN NUÔI VẪN CÒN “LẬN ĐẬN”
Nếu như các sản phẩm của ngành Trồng trọt đang khá “sáng sủa” thì bức tranh của ngành Chăn nuôi vẫn ảm đạm. Giá heo cứ vẫn ở mức thấp mặc dù các ngành chức năng cùng người nuôi đã tiến hành “giải cứu”. Người nuôi vẫn đang “bán đổ bán tháo” để lấy lại phần nào vốn.
Chăn nuôi gia cầm cũng không khá hơn khi giá cứ ở mức thấp. Từ nuôi gà, vịt lấy thịt đến lấy trứng đều đang khó khăn về đầu ra. Trong đó, người nuôi vịt giống đang “chết dở” khi giá trứng vịt giống giảm xuống mức kỷ lục, chỉ dao động ở mức từ 25.000 - 30.000 đồng/chục.
Trong khi đó, sau khi giá bò xuống thấp khoảng hơn 1 năm nay, con dê được xem là sự lựa chọn phù hợp cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, thời điểm này, giá dê thịt cũng đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg xuống còn khoảng 90.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Rưu, Trưởng trạm Thú y huyện Gò Công Đông cho biết: Đàn dê của huyện có khoảng 42.000 con. Thời gian gần đây, giá dê thịt giảm xuống còn khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg. Giá dê thịt giảm là do tăng đàn quá nhanh dẫn đến cung vượt cầu.
Tiếp đến, nếu như khoảng vài tháng trước, giá cá tra giống nằm ở mức cao do khan hiếm hàng. Có lúc giá cá tra giống tăng lên đến mức 50.000 đồng/kg, người chăn nuôi thu lợi nhuận khá. Còn hiện nay, giá cá tra giống đã giảm hơn một nửa xuống còn 20.000 - 21.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi đang gặp không ít khó khăn.
Dẫu biết rằng trong nền kinh tế thị trường, việc giá lên xuống là do tác động của mối quan hệ cung cầu mất cân bằng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng. Để thực hiện được điều này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền và cả người dân.
M. THÀNH