ĐBSCL sẽ "khai tử" những quy hoạch riêng lẻ
Thay vì có hàng chục bản quy hoạch riêng lẻ cấp vùng cùng tồn tại, sắp tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng một bản quy hoạch tích hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh |
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu- cơ hội và thách thức”, được tổ chức tại Cần Thơ vào hôm nay, 14-7-2017, ông Các cho biết hiện ĐBSCL có đến 10 bản quy hoạch do Chính phủ phê duyệt, gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ĐBSCL; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng trọng điểm của vùng ĐBSCL đến năm 2020 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp vùng như thủy lợi, chế biến cá tra, nuôi tôm, sản xuất lúa, du lịch, cấp thoát nước, hệ thống giao thông vận tải, xây dựng.
Còn ở cấp địa phương, ông Các cho biết, cho đến nay, vùng ĐBSCL có gần 2.500 bản quy hoạch, trong đó, có 773 bản quy hoạch nông thôn mới và hơn 490 bản quy hoạch ngành, lĩnh vực do các địa phương phê duyệt...
Tồn tại, yếu kém của những quy hoạch cũ
Theo ông Các, do số lượng các bản quy hoạch lớn đã dẫn đến nhiều tồn tại, yếu kém như không gắn kết, thiếu đồng bộ, thậm chí có những vấn đề còn sai lệch. “Ví dụ, quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đưa ra dự báo dân số lớn hơn so với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến hơn một triệu dân”, ông Các dẫn chứng.
Ngoài ra, theo ông Các, phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới, tức vẫn làm theo phương pháp cũ. Nghĩa là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vẫn nặng về xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu mà quên đi việc tổ chức không gian phát triển, còn quy hoạch xây dựng vùng thì nặng về tổ chức không gian, không chú ý đến việc định hướng phát triển.
Cũng theo ông Các, việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch còn bị buông lỏng; nhiều vấn đề bản quy hoạch đề ra nhưng thiếu cơ chế tổ chức thực hiện. “Đấy là những yếu kém của hệ thống quy hoạch hiện nay, cho nên, dẫn đến các chương trình, dự án triển khai ở những giai đoạn trước đối với vùng còn mang tính riêng lẻ”, ông Các nhận định và nêu câu hỏi gợi mở: Vấn đề giao thông với thủy lợi có thể kết hợp được với nhau trong lập quy hoạch hay không?
Tiến đến quy hoạch tích hợp
Từ những yếu kém nêu trên, ông Các cho rằng phải giải quyết các vấn đề của vùng ĐBSCLmột cách tổng thể và với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực.
Để cụ thể hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng một bản quy hoạch tích hợp (giai đoạn 2021-2030) cho vùng ĐBSCL với mục tiêu tạo ra khung chiến lược toàn diện cho vùng; làm cơ sở cho việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ về mặt hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sản xuất cũng như việc khai thác hiệu quả các nguồn lực dựa vào sự phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của vùng một cách bền vững.
Về nội dung quy hoạch, theo ông Các, sẽ tập trung xác định phương hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển cho vùng mang tính đa ngành; giải quyết quy hoạch vùng là giải quyết mang tính liên ngành, liên tỉnh, liên vùng và trong bản quy hoạch chỉ đề xuất những dự án có tác động đến các vấn đề chung của vùng.
Ông Các cho biết, so với những bản quy hoạch trước đây, với cách lập quy hoạch là đưa ra nhiều chỉ số, mục tiêu, thì bản quy hoạch lần này sẽ chú trọng thay đổi toàn diện. “Đấy là một trong những nội dung khác biệt”, ông nhấn mạnh và cho biết sắp tới vùng ĐBSCL chỉ còn một bản quy hoạch, nhưng sẽ giải quyết các vấn đề giao thông, thủy lợi một cách đồng bộ; các vấn đề về sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, nuôi thủy sản; các vấn đề phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại....
Thách thức nào cho quy hoạch tích hợp?
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết ngoài việc tư duy quy hoạch thời kỳ bao cấp vẫn kéo dài đến hiện nay, thì tính cát cứ, quyền lực của các bộ vẫn rất mạnh, tạo ra thách thức trong quy hoạch tích hợp. “Bộ nào cũng muốn nắm giữ quyền quy hoạch của mình. Không ai chịu “nhả” quyền lực ra cả. Và điều này thế hiện rất rõ khi Quốc hội xem xét Luật Quy hoạch”, ông Võ dẫn chứng.
Một thách thức khác, theo ông Võ, tuy luật và khung pháp lý là rất cần thiết khi lập quy hoạch tích hợp, nhưng điều không kém quan trọng là phương pháp để lập quy hoạch tích hợp. “Đấy cũng là điều chúng ta phải vượt qua”, ông Võ nói.
Thách thức kế tiếp là cơ sở dữ liệu để làm quy hoạch gần như chưa có. “Đặc biệt, công nghệ để áp dụng cho quy hoạch phải nói đến là công nghệ hệ thống thông tin địa lý, (cái này) hiện nay của Việt Nam có lẽ còn rất yếu”, ông Võ cho biết. Ông Võ lưu ý: " phải thống nhất phương pháp luận trong lập quy hoạch tích hợp”.
(Theo thesaigontimes.vn)