Du lịch cộng đồng - Cần một chiến lược phát triển căn cơ
Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực khai thác loại hình du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch, đây được coi là hoạt động kinh tế cơ bản, vừa đáp ứng nhu cầu du khách, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Tại Tiền Giang, loại hình du lịch này đã và đang phát triển mạnh.
Thưởng thức sản phẩm của địa phương. |
Trong thời gian qua, để phát triển du lịch cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực, Nhà nước đã hỗ trợ trong việc định hướng thị trường, giúp các hộ dân có nguồn khách ổn định, lâu dài; tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, kỹ năng phục vụ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ; hướng dẫn các hộ dân trong việc thực hiện những quy định trong hoạt động du lịch, nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự, tạo tâm lý an toàn, thân thiện trong hành trình tham quan, trải nghiệm của du khách; đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm để thu hút khách du lịch đến Tiền Giang. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia đã cải tạo nâng điểm du lịch, vườn cây ăn trái, bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường xung quanh; tổ chức các hoạt động đa dạng cho du khách cùng tham gia như: Cách trồng trọt, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu các món ăn dân dã, hoạt động giao lưu văn hóa… làm cho du khách thích thú khi được trực tiếp tham gia, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt truyền thống của cư dân địa phương.
Theo Sở VH-TT&DL, Tiền Giang có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch cộng đồng do có nhiều sông ngòi, kinh rạch, vườn cây ăn trái đặc sản, các món ăn đặc trưng của địa phương, các làng nghề, lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn..., nên đã phát triển loại hình du lịch cộng đồng rất sớm, từ những năm đầu khi đất nước mở cửa và bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 1995 đến nay. Xuất phát từ sự tham gia của người dân trên cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), du lịch cộng đồng bắt đầu được hình thành, sau đó phát triển đến xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) và đang phát triển đến cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Đã có nhiều hộ nhà vườn đi đầu tham gia phát triển du lịch như: Hộ chú Tư Đàn, chú Ba Thảo, chú Mười Quản, chú Năm Chánh, chú Hai Vũ, chú Ba Đức và nhiều hộ tham gia các dịch vụ du lịch khác (phục vụ đò máy, đò chèo, đờn ca tài tử, làm cốm, kẹo, bán hàng lưu niệm, ăn uống…). Đến nay, ở 3 khu vực trên đã có 16 điểm du lịch chính, với 81 hộ nhà vườn, điểm kinh doanh các dịch vụ du lịch; 740 chiếc đò máy, đò chèo du lịch; 12 đội đờn ca tài tử… sử dụng hàng ngàn lao động, chủ yếu là lao động ở địa phương để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.
Thực tế cho thấy, loại hình du lịch này ở Tiền Giang trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phát triển kinh tế bền vững nhất cho cộng đồng. Năm 2016, Tiền Giang đón 1.690.000 lượt khách, trong đó có 662.000 lượt khách quốc tế. Có gần 70% lượng du khách đến các điểm du lịch cộng đồng, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình ở địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng mang lại lợi ích cho người dân ở địa phương, như điều kiện về hạ tầng giao thông, môi trường, hệ thống điện, nước, viễn thông… cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư ngày càng tốt hơn.
Để phát triển loại hình du lịch này càng hiệu quả, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng chiến lược, chính sách phát triển du lịch rõ ràng; tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng; đồng thời có chính sách khuyến khích, tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình trong việc thực hiện loại hình du lịch này.
Đối với các doanh nghiệp: Thực hiện các nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm, đặc biệt trong việc sử dụng nguồn năng lượng, nguồn nước, thực phẩm an toàn; có biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường; quan tâm đến quyền lợi cộng đồng, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và cộng đồng.
Đối với cộng đồng địa phương: Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường du lịch; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương; tham gia các hoạt động du lịch một cách có tổ chức, tránh tình trạng tự phát, không theo quy hoạch, thiếu văn minh lịch sự trong du lịch.
Đối với khách du lịch: Tuân thủ các phong tục, tập quán địa phương; có ý thức tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và đóng góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
TẤN PHONG