Thứ Hai, 03/07/2017, 14:30 (GMT+7)
.

Giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra

Thời gian qua, ngành cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có những biến động bất thường: Giá cá tra luôn ở mức thấp, người nuôi “treo ao”, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phá sản vì nợ nần chồng chất. Gần đây, giá cá tra tăng lên, người nuôi đã có lãi nhưng ngành hàng này vẫn chưa phát triển bền vững. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp tối ưu để phát triển bền vững con cá tra là rất cần thiết.

Một trong những công đoạn chế biến cá tra.
Một trong những công đoạn chế biến cá tra.

CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Vài tháng nay, giá cá tra đã có nhiều khởi sắc nên người nuôi và doanh nghiệp chế biến vô cùng phấn khởi. Có lúc giá cá nguyên liệu tăng lên 26.000 - 27.000 đồng/kg, người nuôi lãi 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy vậy, việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng gặp không ít rào cản từ các thị trường nhập khẩu.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP), 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 518,6 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 23,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam khi chiếm 19,9%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 53% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, thị trường này lại đang là điểm nóng của thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, kiểm soát hàng qua đường tiểu ngạch là vấn đề đang được đặt ra.

Ngoài ra, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 90,2 triệu USD, giảm 21,7%, chiếm 17,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Là thị trường lớn nhưng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này mang tính “phòng vệ” quá mức, vượt quá yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm. Riêng với thị trường EU, xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm chiếm 12,6% tổng lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm tới 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là cá tra của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các loại cá thịt trắng bản địa (cá tuyết, cá Alaska pollock…), cá biển khác: Cá ngừ, cá hồi… và bị truyền thông một số nước EU “bôi xấu” hình ảnh nên bị ảnh hưởng tới doanh số tiêu thụ. Ông Trương Đình Hòe kiến nghị cần kiện toàn và đưa vào hoạt động Quỹ Phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản (SMF), nhằm nhanh chóng tạo đủ ngân sách triển khai một số hoạt động, trong đó có công tác truyền thông.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trong thời gian qua, cá tra của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thông tin phản ánh không đúng sự thật về cá tra Việt Nam ở châu Âu đến việc DOC công bố mức thuế cao áp cho cá tra và sắp tới Hoa Kỳ sẽ thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ từ ngày 1-9-2017. Để khắc phục những khó khăn này, tiềm lực về tài chính là một đòi hỏi vô cùng cần thiết. Theo bà Khanh, trước mắt, 20 doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra Việt Nam, dưới sự chủ trì của VASEP đã có cuộc họp bàn về vấn đề này. Sau cuộc họp, Quỹ Phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản với cam kết đóng góp 200.000 USD đã được 20 doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra thống nhất thành lập nhằm giải quyết sự cố truyền thông ở EU.

Vấn đề này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt với VASEP và yêu cầu VASEP sớm xây dựng Đề án về đề xuất Quỹ Phát triển thị trường thủy sản. Hiện nay, VASEP đang làm việc với các Bộ, trong đó có Bộ Tài chính để có sự đồng thuận cao và như vậy khi trình Chính phủ sẽ có căn cứ hơn. Tuy nhiên, việc hình thành quỹ này trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp. Do đó, 20 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn phải làm gương, phải tự nguyện tham gia; Nhà nước chỉ tạo cơ chế, hành lang pháp lý.

CHỜ ĐỢI NGHỊ ĐỊNH 55

Để đáp ứng các yêu cầu từ sản xuất đến xuất khẩu cá tra, ông Vũ Văn Tám cho biết, chúng ta cần phải tổ chức lại từ khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi, quy trình chế biến, giới hạn mạ băng, độ ẩm… đến điều kiện, tiêu chí được xuất khẩu. Do đó, Bộ NN&PTNT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 55/2017/NĐ-CP về phát triển ngành hàng cá tra (gọi tắt là Nghị định 55), có hiệu lực vào ngày 1-7-2017 thay thế cho Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Điều đặc biệt của Nghị định 55 là không cần thông tư hướng dẫn mà có thể thực hiện ngay vì Bộ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - cá tra phi lê đông lạnh. Quy chuẩn này sẽ tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất để người nuôi, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu làm căn cứ thực hiện, triệt tiêu doanh nghiệp làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của cá tra Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đang khẩn trương xúc tiến Đề án Khung sản phẩm Quốc gia cá da trơn để thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, nhằm tập trung vào 2 dòng sản phẩm có giá trị đạt 2.000 tỷ đồng/năm.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang) cho rằng: “Nghị định 55 có sự thống nhất cao của phần lớn các doanh nghiệp. Việc ra đời của Nghị định 55 cùng lúc với Quyết định của Chính phủ về việc đưa ngành hàng cá tra vào sản phẩm Quốc gia là rất đúng với tâm tư, nguyện vọng của người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu”. Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Long An) cho biết, Nghị định 55 quy định chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn. Sau khi ban hành nghị định, ngành chuyên môn cần quan tâm đến các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính. Nếu doanh nghiệp nào làm ăn không minh bạch, làm ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu của các doanh nghiệp còn lại cần phải xử lý nghiêm. Có như vậy chất lượng và uy tín của cá tra Việt Nam mới ngày càng được nâng lên.

Ông Vũ Văn Tám cho rằng: “Để ngành cá tra phát triển tốt trong thời gian tới, chúng ta cần có các giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường; đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, công đoạn ươm con giống, xã hội hóa công tác chọn tạo giống cá tra bố mẹ cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung cần chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra cũng như kiểm soát vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Mặt khác, các ngành chức năng, địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cá tra để tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu cho dòng sản phẩm phi lê cá tra chất lượng cao. Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn dài hạn, lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp”.

SĨ NGUYÊN

.
.
.