Hạn chế "điểm nghẽn" để khởi nghiệp thành công
Ai cũng biết rằng, Tiền Giang là tỉnh có dân số đông, đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô 1,73 triệu dân; dân số trong độ tuổi lao động cũng đứng thứ 2/13 tỉnh, thành trong khu vực (1,08 triệu lao động). Riêng đội ngũ lao động trẻ (từ 15 - 35 tuổi) chiếm khoảng 34% dân số trong độ tuổi (đạt trên 360.000 lao động). Với hiện trạng dân số như hiện nay, toàn tỉnh hiện có 4.166 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, bình quân 414 người dân mới thành lập 1 DN hoặc xét theo lao động, bình quân gần 260 lao động mới tạo ra 1 DN. Điều này cho thấy, số lượng DN được thành lập trên địa bàn tỉnh còn ít so với đội ngũ lao động và dân số của tỉnh hiện nay.
Bắt đầu từ cơ sở sản xuất nhỏ, Doanh nghiệp tư nhân SD (khu phố 3, phường 9, TP. Mỹ Tho) đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu cả nước về sản xuất đồ chơi, thiết bị bằng gỗ, với gần 100% sản phẩm được xuất khẩu. |
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016 là năm tỉnh có số lượng DN thành lập mới cao nhất trong nhiều năm gần đây, với 555 DN, tăng hơn 19% so với năm 2015, với tổng vốn đăng ký mới là 3.663 tỷ đồng, tăng 85%, nên quy mô DN thành lập mới cũng tăng lên (6,6 tỷ đồng/DN so với 4,2 tỷ đồng/DN năm 2015). Riêng đối với thanh niên khởi nghiệp (KN) thông qua việc thành lập DN cũng tăng nhanh. Năm 2016 có 187 thanh niên (độ tuổi 18 - 35 tuổi) thành lập DN mới, chiếm hơn 33% tổng số DN thành lập mới, tăng bình quân hơn 57% so với năm 2015, cho thấy sự trẻ hóa trong cơ cấu DN thành lập mới (năm 2015 chỉ chiếm hơn 25% tổng số DN thành lập mới). Và trong số thanh niên KN này, tỷ trọng lứa tuổi trẻ (từ 18 - 30 tuổi) cũng tăng lên (57,2% so với 52,9% năm 2015); quy mô DN thanh niên KN tăng nhanh (tăng 88%) từ 2,5 tỷ đồng/DN năm 2015 tăng lên 4,7 tỷ đồng/DN và đa phần trong lĩnh lực phi nông nghiệp (chiếm 99,5%)… Việc KN từ hộ kinh doanh cũng tăng, năm 2016 có 4.380 hộ kinh doanh thành lập mới, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 54.560 hộ kinh doanh, bình quân có khoảng 31 người dân có 1 hộ kinh doanh…
Tuy nhiên, KN không chỉ toàn màu hồng và không phải ai cũng thành công như mong đợi. Câu chuyện KN của anh Nguyễn Đức Thơi, xã Nhị Quý (TX. Cai Lậy) cũng để lại nhiều điều cần phải suy nghĩ. Anh Thơi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất cát giồng Nhị Quý. Nhãn là cây trồng chủ yếu của địa phương, được đầu tư thành mô hình sản xuất nhãn VietGAP nên chất lượng sản phẩm được nâng cao, thị trường có phần cải thiện, thu hút đông đảo hộ dân tham gia. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, anh chọn ngành nghề mua bán nhãn để mong mang thương hiệu nhãn quê nhà đi xa đến các thị trường.“Tuy nhiên, thời gian qua chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất, do chưa có đầu ra ổn định nên nhãn VietGAP vẫn phải bán cho thương lái địa phương và chịu rủi ro theo giá thị trường. Thứ hai, tình hình đóng rổ nhãn tại địa phương còn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ nên chưa phát huy được thế mạnh sản phẩm. Kế đến, do thiếu vốn nên chúng tôi còn e ngại thành lập tổ hợp tác. Ngoài ra, mô hình VietGAP đòi hỏi người tham gia phải đảm bảo quy trình sản xuất nhưng chúng tôi còn thiếu về kiến thức chuyên môn...” - anh Thơi cho biết.
Từ bức tranh chung của KN trên địa bàn tỉnh hiện nay, theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động KN tại tỉnh có chuyển biến tốt nhưng chưa đa dạng, việc hỗ trợ KN cũng chỉ tập trung vào một vài hoạt động đào tạo KN, hỗ trợ sổ tiết kiệm thanh niên KN. Việc kết nối và phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các trường đại học, các tổ chức đoàn thể và các DN, cơ quan truyền thông còn hạn chế do chưa có tổ chức điều phối trong hoạt động KN. Chưa có nguồn lực tài chính và cơ chế hỗ trợ tài chính để biến những ý tưởng, dự án, phương án sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn KN thành hiện thực, thành sản phẩm cụ thể để tham gia thị trường...
Tất nhiên, đối với những người bắt đầu KN cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn nhất định. Thứ nhất là nguồn lực về con người, bạn đồng hành, người cùng chia sẻ và triển khai ý tưởng KN. Khả năng huy động về nguồn lực tài chính, khả năng huy động nguồn lực từ sự hỗ trợ cơ chế, chính sách của tỉnh… cho hoạt động KN. Thanh niên KN còn vướng mắc trong thực hiện các thủ tục pháp lý khi cụ thể hóa ý tưởng thành đề án, dự án, thủ tục hành chính trong thành lập hợp tác xã..
Thứ hai, khả năng phát hiện ra một ý tưởng kinh doanh có thể nói khá dễ dàng. Ý tưởng tốt và đi đến KN thành công phải là một ý tưởng thực sự mới và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được ý tưởng KN mình có khả năng cạnh tranh đang là vấn đề gặp khá nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, học hỏi các mô hình tốt… cũng cần được quan tâm.
Còn nếu xét về yếu tố lợi thế, cơ hội và môi trường KN cũng đã và đang được mở rộng. Bởi hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến KN. Chính phủ chọn năm 2016 là năm Quốc gia KN. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”… Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng liên tục gia tăng, hội nhập và phát triển khoa học và công nghệ đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân, thế hệ trẻ. Nhiều cá nhân đã quyết định từ bỏ các cơ hội lựa chọn nghề nghiệp ổn định để nắm bắt cơ hội kinh doanh với mong muốn trở thành chủ DN, được độc lập, tự chủ, được thể hiện bản thân và có thu nhập cao. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, ý chí kinh doanh của thanh niên và khả năng tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực ngày càng gia tăng làm cho xu hướng KN ngày càng được hình thành trong mục tiêu của những người trẻ tuổi.
Ông Nguyễn Đình Thông cũng nhận định, lứa tuổi KN chiếm đa số trong độ tuổi từ 20 - 30. Lứa tuổi này được xem có khả năng hội tụ đủ các yếu tố về thông tin, nguồn lực và khả năng KN khá cao. Đặc biệt, khi kinh tế hội nhập, khoa học và công nghệ phát triển, thông tin mở hiện nay tạo khả năng tiếp cận và hình thành các động cơ, hành vi KN của thanh niên.“Để KN thành công, chúng ta cần ít nhất 3 yếu tố sau: Sự mong muốn, khát khao và đam mê của bản thân về nhu cầu cần phải KN, tự làm chủ bản thân, được độc lập tự chủ và tạo thu nhập cao; có năng lực và khả năng quy tụ nguồn lực của cá nhân đảm bảo đủ để KN; khả năng phát hiện ra những cơ hội của thị trường và ý tưởng đảm bảo khả năng cạnh tranh, tồn tại trên thị trường”- ông Nguyễn Đình Thông lưu ý.
PHƯƠNG ANH