Khó cho ngành đóng tàu, sà lan
Ngành đóng tàu, sà lan được đánh giá là khá phát triển ở tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành này đang gặp khó do nhu cầu đóng mới tàu, sà lan giảm. Đây là ngành được cho phát triển có chu kỳ nên các cơ sở đóng tàu, sà lan đang chờ một chu kỳ phát triển mới.
Ngành đóng tàu, sà lan phát triển theo chu kỳ. |
“ĐÓI” ĐƠN ĐẶT HÀNG
Qua ghi nhận của chúng tôi, “đói” đơn đặt hàng đóng mới tàu, sà lan đang là tình trạng chung của ngành đóng tàu vận tải đường sông ở tỉnh hiện nay. Một số cơ sở hoạt động chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng từ những tháng trước và việc sửa chữa, bảo trì. Có mặt tại Nhà máy đóng tàu Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), chúng tôi ghi nhận khoảng 60 người thợ đang hăng say đóng mới 2 chiếc sà lan. Bên cạnh đó, một chiếc sà lan cũng được đưa lên để sửa chữa. Theo Tổ trưởng Tổ Công nhân của nhà máy, hiện vẫn còn một vài đơn đặt hàng nhưng cơ sở vẫn đang chờ giá thép giảm xuống để tiến hành đóng mới. Còn Xưởng đóng tàu Gò Công của Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm (xã Bình Đông, TX. Gò Công) khánh thành đến nay được khoảng 1 năm và đã nhận đóng mới được 5 chiếc sà lan. Thế nhưng, khoảng vài tháng nay, xưởng không nhận được đơn đặt hàng đóng mới nào, thế nên mọi hoạt động của xưởng gần như đã ngưng lại.
Tại Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đổng Kim Long, ông Đổng Kim Long, Giám đốc doanh nghiệp cũng cho biết: Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp của ông chưa nhận được đơn đặt hàng nào. Hoạt động vận tải đường sông đang gặp khó đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ còn đóng 1 tàu dịch vụ hậu cần vỏ sắt theo Nghị định 67 chứ không còn hợp đồng đóng mới tàu, sà lan nào. Tương tự như những cơ sở đóng tàu, sà lan khác, DNTN Thanh Hiểu (xã Bình Đức, huyện Châu Thành) cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn do người dân không có nhu cầu đặt hàng. Hoạt động đóng tàu của doanh nghiệp hầu như đã ngưng lại.
CHỜ CHU KỲ PHÁT TRIỂN MỚI
Hiện nay, theo đánh giá của các cơ sở đóng tàu, sà lan, nguyên nhân dẫn đến việc đóng mới tàu, sà lan giảm là do nhu cầu của thị trường. Lý giải cho điều này, ông Đổng Kim Long cho rằng: Việc Nhà nước siết chặt khai thác cát đã ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường sông, từ đó đã tác động đến ngành đóng tàu, sà lan. Nếu như trước đây một chiếc sà lan chở 10 chuyến cát thì hiện tại chỉ chở được 1 chuyến. Chính điều này đã dẫn đến nhu cầu đóng mới tàu, sà lan giảm.
Còn theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Gầm, lý do khiến nhu cầu đóng mới tàu, sà lan giảm là do đã hết chu kỳ phát triển phương tiện. Ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung, chu kỳ đóng mới, phát triển phương tiện đường thủy khoảng 3 - 4
năm/lần. Mỗi lần kéo dài khoảng 2 - 3 năm. Sau đó, nhu cầu sẽ giảm kéo dài khoảng 2 - 3 năm mới quay trở lại chu kỳ phát triển phương tiện.
Giải thích tại sao lại có chu kỳ phát triển này, ông Trần Đỗ Liêm cho biết: “Chu kỳ này dựa theo sự phát triển của hàng hóa. Khi hàng hóa phát triển sẽ tạo ra nhu cầu về vận tải. Khi nhu cầu vận tải hàng hóa tăng lên khoảng 10%, chúng ta không thể đóng tàu theo mức tăng trưởng như vậy mà phải cao hơn.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm
|
Khi tàu mới được đưa vào vận hành, tàu cũ vẫn còn hoạt động, lúc này trên thị trường sẽ tồn tại một khối lượng phương tiện dự trữ. Sau khoảng thời gian 3 năm, khối lượng phương tiện dự trữ cao dẫn đến thừa, các chủ đầu tư sẽ không đóng mới phương tiện. Lúc này, hoạt động đóng mới tàu, sà lan giảm lại; những phương tiện cũ bắt đầu bước vào giai đoạn bảo trì, sửa chữa. Từ đó, khối lượng phương tiện dự trữ sẽ giảm đi, cứ thế khoảng 3 năm sau sẽ dẫn đến bão hòa. Sau giai đoạn bão hòa, các phương tiện đóng mới trước đó đưa vào sửa chữa, những phương tiện cũ cũng bắt đầu đưa vào sửa chữa lần 2. Do đó, lượng phương tiện vận tải từ cân bằng dần trở nên thiếu, trong khi hàng hóa đang phát triển. Vì vậy, nhu cầu đóng mới phương tiện sẽ tăng trở lại”.
Ông Trần Đỗ Liêm cho biết thêm: Hiện nay, việc khai thác cát đang bị siết chặt dẫn đến hoạt động vận tải đường thủy bị ảnh hưởng là một trong những nguyên nhân khiến chu kỳ phát triển phương tiện của ngành đóng tàu, sà lan kết thúc sớm. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hết, Giám đốc Xưởng đóng tàu Gò Công cũng nhận định rằng, ngành đóng tàu, sà lan phát triển theo chu kỳ nhất định. Việc siết chặt khai thác cát ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường sông không phải là nguyên nhân chính dẫn đến ngành đóng tàu, sà lan gặp khó.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành đóng tàu, ông Trần Đỗ Liêm dự đoán rằng: Ngành đóng tàu, sà lan sẽ phục hồi vào khoảng đầu năm 2020.
M. THÀNH