Khó khăn trong phòng, chống sạt lở
Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch đang có xu hướng ngày càng tăng về số lượng, quy mô và cả về tốc độ. Sạt lở thường xảy ra dọc theo các trục kinh, rạch là tuyến giao thông thủy chính, có mật độ tàu thuyền lưu thông lớn; dọc tuyến đê bao mới được thi công, mặt đê, mái đê chưa được bảo vệ. Sạt lở bờ kinh, rạch đã và đang gây ra những thiệt hại về nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của nhà dân. Vì vậy, việc kè các đoạn sạt lở như thế nào có hiệu quả đang được các ngành chức năng tính đến.
SẠT LỞ NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG
Cái Bè là huyện đầu nguồn của tỉnh, đang chịu nhiều thiệt hại do sạt lở đất gây ra. Khảo sát dọc tuyến rạch Mỹ Thiện, thuộc xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè), chúng tôi chứng kiến nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng làm mất đất, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Có nơi sạt lở hàm ếch dài trên chục mét, khiến cho việc lưu thông của người dân trên tuyến đường liên xã Mỹ Đức Đông - Hòa Khánh thiếu an toàn. Mới đây, lãnh đạo huyện đã đến khảo sát, chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ người dân tạo đường lưu thông tạm, cắm biển báo khu vực sạt lở để chờ xử lý.
Kè lục bình chống sạt lở trên sông Tiền ở xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè). |
Theo thống kê, toàn huyện Cái Bè hiện có gần 30 điểm sạt lở, trong đó có 10 điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong 7 năm qua, huyện Cái Bè đã đầu tư trên 70 tỷ đồng để xử lý trên 350 điểm sạt lở và di dời 7 tuyến đê, với tổng chiều dài trên 20 km.
Tại huyện Cai Lậy, chúng tôi khảo sát dọc tuyến sông Ba Rài, sông Trà Tân đã phát hiện nơi đây vừa xảy ra hàng chục điểm sạt lở mới. Nghiêm trọng nhất là tại khu vực ấp 12, xã Long Trung có đoạn đê dài trên 30 m đã sạt lở sâu vào sân nhà dân, làm sụp một đoạn đường giao thông công cộng, khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân qua khu vực này trở nên khó khăn.
Còn ở huyện Châu Thành, một đoạn đê kinh Thuộc Nhiêu dài 50 m, rộng khoảng 5 m đã bị sạt lở xuống kinh làm 1 nhà dân bị sụt lún. Sạt lở này còn ăn sâu vào mố cầu Ván Sập, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản của người dân nơi đây. Cách đoạn sạt lở này khoảng 100 m, một đoạn sạt lở khác khoảng 70 m đã được UBND xã Vĩnh Kim huy động lực lượng gia cố lại.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi, từ năm 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý 329 điểm sạt lở bờ sông, bờ kinh, với tổng chiều dài khoảng 12.481 m, kinh phí khắc phục trên 64,7 tỷ đồng. Năm 2016, tỉnh phải xử lý 102 điểm sạt lở, với chiều dài 4.689 m, tổng kinh phí trên 37,2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 50 điểm sạt lở, với chiều dài 7.220 m và đang tiến hành xử lý, ước kinh phí khoảng 16,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện còn tồn tại 7 điểm sạt lở nghiêm trọng với quy mô lớn, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân cần sớm được xử lý nhưng tỉnh không có khả năng về kinh phí để thực hiện.
NHIỀU GIẢI PHÁP XỬ LÝ
Để khắc phục sạt lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, các huyện phía Tây đã áp dụng các giải pháp công trình để xử lý sạt lở như: Kết cấu bê tông cốt thép tường đứng (kinh phí khoảng 45 - 50 triệu đồng/m dài); cọc bê tông cốt thép kết hợp với tấm dal chắn đất (kinh phí khoảng 15 - 20 triệu đồng/m dài); xử lý tạm thời bằng các vật liệu địa phương sẵn có như cừ tràm, bạch đàn, lưới B40 và bao đất (kinh phí 5 - 7 triệu đồng/m dài).
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, việc xử lý bằng kết cấu bê tông cốt thép đòi hỏi kinh phí đầu tư xây dựng lớn nên chỉ ưu tiên áp dụng tại những vị trí sạt lở nghiêm trọng, quy mô sạt lở lớn. Vì vậy, việc sử dụng các loại vật liệu tại chỗ để thả lục bình nhằm hạn chế sóng tác động vào bờ đang được các ngành chức năng, cũng như các huyện, thị quan tâm thực hiện.
Theo ông Pháp, qua tính toán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mô hình kè giữ lục bình (dựng rào thả lục bình) và trồng cây chống sạt lở ven sông. Với mô hình này, kinh phí thực hiện đối với tuyến kinh chính và kinh cấp 1 là 215.000 đồng/m dài; đối với kinh cấp 2 và cấp 3 là 213.000 đồng/m dài. Số tiền này, ngân sách dự phòng cấp huyện sẽ hỗ trợ 50% cho ngân sách cấp xã để địa phương phối hợp với người dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình kè giữ lục bình để phòng, chống sạt lở.
Cụ thể, ngân sách hỗ trợ cho thực hiện ở tuyến kinh chính, kinh cấp 1 là 92.000 đồng/m dài; kinh cấp 2 và cấp 3 sẽ hỗ trợ 90.000 đồng/m dài. Đối với trồng cây phòng, chống sạt lở ven bờ cũng sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện hỗ trợ cho ngân sách cấp xã (7.000 đồng/cây) để địa phương phối hợp với người dân trực tiếp tham gia thực hiện. Phần kinh phí còn lại (vật liệu và nhân công), địa phương, người dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình đối ứng. Việc sử dụng vật liệu để thực hiện có thể tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, của hộ dân như: Tre, bạch đàn…Trường hợp các địa phương có mức độ sạt lở lớn, nếu phần ngân sách địa phương nào bảo đảm thực hiện vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện được giao, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 50% dự phòng ngân sách cấp huyện để các huyện, thị, thành có đủ nguồn vốn để thực hiện.
SĨ NGUYÊN