Thứ Sáu, 14/07/2017, 10:32 (GMT+7)
.
Khởi nghiệp bắt đầu từ đâu?

Câu chuyện khởi nghiệp của giám đốc hợp tác xã

Chưa bao giờ không khí khởi nghiệp (tên thông dụng hiện tại là start-up) lại sôi nổi như thời điểm hiện tại, không chỉ từ chủ trương của Trung ương mà ngay cả trên địa bàn Tiền Giang. Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra là khởi nghiệp bắt đầu từ đâu, yếu tố nào để thành công và đâu là điểm nghẽn của những dự án khởi nghiệp hiện nay?

Đó là câu chuyện của anh Võ Chí Thiện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo).

HĐND tỉnh tham quan, giám sát hoạt động của HTX Thanh long Mỹ Tịnh An.		 Ảnh: NGUYỄN SỰ
HĐND tỉnh tham quan, giám sát hoạt động của HTX Thanh long Mỹ Tịnh An. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Anh Võ Chí Thiện sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà ít đất đai nên ba mẹ anh hằng ngày phải đi làm thuê để nuôi các con ăn học. Tuổi thơ anh là những tháng ngày cơ cực. Nhà cửa dột nát, thiếu trước hụt sau nhưng với ý chí phấn đấu học tập, nhiều năm liền anh đạt danh hiệu Học sinh giỏi và thi đậu đại học vào năm 2000. Sau thời gian dài học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, anh Thiện bắt đầu ấp ủ nhiều dự định và nghĩ mình cần khởi nghiệp (KN) để phát triển bản thân, cống hiến nhiều hơn cho xã hội. “Tôi bắt đầu tìm hiểu về trái thanh long của quê hương mình. Tôi nghĩ tại sao trái thanh long năm nào cũng lâm vào cảnh “được mùa mất giá”? Việc mua bán thanh long phải qua thương lái, với nhiều tầng nhiều nấc, nông dân sẽ bị thiệt thòi? Sao mình không về làm trực tiếp với nông dân, rồi lấy sản phẩm đó xuất khẩu sẽ không qua trung gian, người trồng thanh long sẽ được lợi hơn?”- anh Thiện trăn trở.

Từ những suy nghĩ đó, đầu năm 2012, anh Thiện quyết định bỏ ngang công việc ổn định ở TP. Hồ Chí Minh để về quê tiếp nhận và điều hành HTX Thanh long Mỹ Tịnh An đang trên bờ vực giải thể. Toàn bộ số tiền dành dụm được trong thời gian đi làm, cộng với số tiền vay mượn thêm của người thân, anh dồn hết vào việc kinh doanh của HTX. Mặc dù tìm hiểu thị trường khá kỹ nhưng do thiếu kinh nghiệm thực tế, thị trường tiêu thụ Trung Quốc lại thiếu ổn định, nên việc kinh doanh của HTX bị thua lỗ. Tiền bạc bao năm vất vả dành dụm đã mất hết, khó khăn đến mức chiếc nhẫn cưới anh cũng phải bán đi. Chưa kể nhiều người cười chê, bàn ra, tán vào, thành viên HTX nghi ngờ năng lực của anh.

Tinh thần KN đang trên đỉnh cao của anh dường như bị rơi xuống vực sâu. Trong giai đoạn này, để giải quyết khó khăn trước mắt, anh quyết định đi làm thuê cho một công ty xuất khẩu thanh long, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm vì mong muốn KN trong anh vẫn còn cháy bỏng. Nhiều lần anh tự vấn bản thân chẳng lẽ bây giờ bỏ cuộc, như thế thì tất cả sự cố gắng, kể cả sự thất bại sẽ trở thành vô nghĩa sao?

Sau hơn một năm làm công, anh Thiện dành dụm được ít tiền và may mắn là có một vài người bạn là thành viên trong HTX vẫn còn rất tâm huyết và tin tưởng nên quyết định góp sức lại tiếp tục phát triển HTX. Sau thất bại lớn trong bước đầu KN, anh xác định phương châm sống chậm lại, suy nghĩ mọi thứ và tìm hướng đi mới chắc chắn hơn. Anh và những thành viên trong Hội đồng quản trị HTX nhận thấy, trái thanh long rất được thị trường Mỹ và châu Âu ưa chuộng, giá cả lại ổn định nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh rất cần sản phẩm thanh long đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu nhưng lại không có đủ nguồn cung ứng. Từ đó, anh cùng các thành viên Hội đồng quản trị HTX quyết tâm nghiên cứu và vận động thành viên sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.

May mắn là vào thời điểm này HTX được Nhà nước hỗ trợ kinh phí chứng nhận chứng chỉ GlobalGAP và xây dựng nhà đóng gói đạt chuẩn trong Dự án QSEAP. Từ đó, nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và nước ngoài xuống tham quan, đặt hàng với số lượng ngày càng lớn. Hiện tại, HTX Thanh long Mỹ Tịnh An có khoảng 100 thành viên, với diện tích sản xuất khoảng 100 ha. HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng mà thành viên sản xuất ra, với mức giá sàn là 10.000 đồng/kg, cao hơn mức giá thị trường bên ngoài khoảng 2.000 đồng/kg trở lên. Với mức giá này, thành viên HTX rất yên tâm sản xuất, tính trung bình hằng năm thành viên HTX được lợi hơn so với bên ngoài từ 100 - 200 triệu đồng/ha. Nhờ đó, HTX Thanh long Mỹ Tịnh An mỗi năm gia công và xuất khẩu cho các đối tác khoảng 1.000 tấn thanh long.

Thành công với trái thanh long, giữa năm 2016, HTX Thanh long Mỹ Tịnh An chuyển sang nghiên cứu thêm về trái dừa tươi. Từ cuối năm 2016 đến nay, HTX xuất khẩu khoảng 30.000 trái dừa/tháng sang thị trường Mỹ. HTX đang mời cơ quan chứng nhận xuống đánh giá và cấp chứng chỉ GlobalGAP cho trái dừa tươi của Mỹ Tịnh An. Với mô hình thanh long sạch, mới đây là dừa tươi, HTX Thanh long Mỹ Tịnh An đã góp phần thay đổi được tư duy sản xuất của nhà nông, tạo được công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động nhàn rỗi ở địa phương và mỗi năm đóng góp phúc lợi xã hội với số tiền khoảng 100 triệu đồng.

Là người có thời gian trải nghiệm về KN, anh Thiện chia sẻ, trước khi KN cần xác định lại xem mình có những gì, thiếu những gì và có thế mạnh gì để phát triển bản thân, từ đó xây dựng mục tiêu cho riêng mình. Nếu chưa đủ kinh nghiệm cũng như kiến thức về KN, hãy vào làm thuê tại các doanh nghiệp KN để học và tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới tính chuyện làm chủ. Đừng nghĩ KN là phải làm cái gì đó quá cao siêu, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ một doanh nghiệp nhỏ rồi mới đến một doanh nghiệp lớn hơn. “Không phải KN là thành công ngay, không một nhà doanh nghiệp lớn nào mà chưa từng trải qua thất bại. Tuổi trẻ là thời điểm thuận lợi nhất để KN và cũng mất ít nhất. Việc thất bại và mất vốn là rủi ro không thể tránh khỏi. Cái mình mất là vốn nhưng bù lại chúng ta sẽ được kiến thức và kinh nghiệm. Cố gắng thoát ra vỏ bọc của bản thân, vì trong mỗi con người chúng ta ai cũng muốn an toàn, ai cũng lo sợ thất bại. Tôi tin với quyết tâm, với kiến thức, với kỹ năng và với sự cọ xát thực tiễn, nhất định mục tiêu KN sẽ thành công”- anh Thiện chia sẻ.

                                                                                                                                                               PV

.
.
.