Làm giàu với đặc sản xoài cát Hòa Lộc
Xoài cát Hòa Lộc là một trong những cây ăn trái đặc sản của tỉnh, đã giúp cho nhiều hộ gia đình trở nên khá giả. Gia đình anh Trần Văn Hoạch, xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) là một trong những điển hình làm giàu nhờ cây trồng đặc sản này.
Anh Hoạch bao trái xoài cát Hòa Lộc. |
Ghé thăm vườn xoài cát Hòa Lộc gần 2 ha của gia đình anh Hoạch tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè và nghe câu chuyện nỗ lực duy trì cây ăn trái đặc sản quê hương mới thấy được sự tâm huyết của anh khi lựa chọn, gắn bó với cây trồng này. Anh Hoạch kể, khoảng 20 năm về trước, gia đình anh chủ yếu trồng cây nhãn tiêu da bò, sau đó chuyển sang cây bưởi lông Cổ Cò, nhưng thổ nhưỡng không thích hợp nên hiệu quả không cao. Từ đó, anh Hoạch suy nghĩ và đi tham quan nhiều nơi thấy cây xoài cát Hòa Lộc cho hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với vùng đất huyện Cái Bè nên quyết định mua giống xoài trên về trồng xen vào vườn cây ăn trái của gia đình. Khi xoài lớn, anh Hoạch bắt đầu đốn các loại cây khác để cho cây xoài phát triển.
Hiện tại, vườn xoài của anh Hoạch đã hơn 10 năm tuổi, cho trái trĩu cành. Nhìn cây xoài cát Hòa Lộc trĩu cành, anh Hoạch phấn khởi nói: “Từ vụ tết đến giờ, vườn xoài của tôi thu hoạch được gần 5 tấn trái, bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg”.
Gắn bó với cây xoài cát Hòa Lộc đã khá lâu, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, anh Hoạch chia sẻ: “Xoài cát Hòa Lộc là loại cây lâu năm nên không trồng mật độ quá dày để cây tạo tán và hạn chế sâu bệnh. Lúc mới trồng, đất phải được làm thật kỹ, phải đảm bảo thoát hết nước khi có mưa lớn kéo dài, phải chú ý phun thuốc phòng ngừa các loại sâu đục thân để duy trì tuổi thọ, cũng như năng suất của xoài. Bình quân một cây xoài hơn 10 năm tuổi, được chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho hơn 150 kg trái/vụ”.
Anh Hoạch chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc trái xoài cát Hòa Lộc: “Cây xoài cát Hòa Lộc từ ngày xử lý đến khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng nên xoài phải được bón phân, tưới nước đầy đủ. Khi trái bằng cổ tay, tôi phải bao trái để da bóng, đẹp, không bị côn trùng, ruồi đục trái gây hại. Sau khi thu hoạch xong, tôi cắt tỉa cành, tạo sự thông thoáng cho cây ra đọt mới, bón phân để cây phục hồi, cho trái vào những vụ tiếp theo; đồng thời dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, phù hợp thời tiết để cây đậu trái nhiều”.
Qua “ăn nên làm ra” từ cây xoài cát Hòa Lộc, anh Hoạch còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm với nông dân trong xã. Với những kinh nghiệm, kỹ thuật có được cùng những vụ xoài trúng mùa, được giá, hằng năm, anh Hoạch thu về số tiền không hề nhỏ, ổn định cuộc sống gia đình.
VĂN MINH