Mùa chem chép biển
Cũng như mọi năm, khi mùa gió Nam đến, người dân xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) lại bước vào mùa đào chem chép biển.
12 giờ trưa, con nước đã lớn mấp mé cửa cống Rạch Bùn (xã Tân Điền). Chúng tôi “tay xách, nách mang” đồ nghề bước xuống ghe ổn định vị trí rồi bắt đầu xuất phát. Chiếc ghe tròng trành giữa muôn trùng sóng nước, cứ thế đạp sóng băng băng tiến về phía sông Cửa Đại.
Hì hục đào chem chép biển trên bãi bùn. |
Sau hơn 2 giờ khởi hành, chiếc ghe cũng tới được sông Cửa Đại. Anh Nguyễn Thành Thái (ấp Nam, xã Tân Điền) cho ghe chạy chậm lại ghé vào bãi biển của huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) rồi thả neo. Chúng tôi mang phần cơm chuẩn bị sẵn ra ăn chờ con nước xuống. Chẳng mấy chốc, bãi bồi đã hiện lên. Chúng tôi mang dụng cụ lội xuống biển để tiến vào bãi đào chem chép. Do dòng nước chảy xiết, các chị em phụ nữ phải nhờ tới sự trợ giúp của cánh đàn ông mới có thể đi vào được. Cứ thế từng nhóm người nắm chặt tay nhau tiến về bãi cát pha bùn, nơi chem chép trú ngụ ở độ sâu khoảng 1 gang tay. Dấu hiệu để nhận biết hang chem chép rất dễ, đó là những lỗ nhỏ bằng đầu đũa trông như những tổ ong. Mọi người chỉ cần dùng một chiếc xẻng nhỏ để đào chúng lên.
Mỗi khi đến con nước, chú Mừng (ấp Nam, xã Tân Điền) cùng đứa con trai theo ghe đi đào chem chép biển. Hơn nửa cuộc đời, tóc đã ngả màu sương nhưng đôi tay chai sần của chú Mừng vẫn tràn đầy sinh lực. Cứ thế, chú Mừng di chuyển hết chỗ này sang chỗ khác để lần theo dấu chem chép. Đưa tay chỉ về phía cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông), chú Mừng nói: “Mấy hôm trước đào bên đó, chem chép to lắm, hôm nay không bằng. Chem chép bây giờ có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, loại lớn 20.000 đồng/kg không có mà bán”.
Chem chép biển tương tự chem chép sông (nước ngọt) về hình dáng, nhưng có kích thước nhỏ hơn. Cầm trên tay mấy con chem chép biển và bóp mạnh, chú Mừng giải thích: “Chem chép biển ăn có vị ngọt hơn chem chép sông. Muốn biết chem chép nào chắc thì chỉ cần bóp nó. Nếu nước có màu đục thì chem chép chắc, còn nước trong là óp xọp”. Nói xong chú Mừng cùng mọi người tản ra khắp bãi để tìm nơi nào có nhiều chem chép. Thỉnh thoảng họ gom lại khi một người trong nhóm phát hiện ra nơi chem chép có nhiều và to. Nắng chiều nhạt nhòa trên đám lá dừa nước, chẳng mấy chốc đã tắt lịm. Mây đen vần vũ kéo đến và mưa rơi lất phất. Mặc cho sự chuyển biến xấu của thời tiết, chúng tôi vẫn lúi húi đào đất để bắt chem chép. Phía đằng xa, anh Thái vẫn đang cần mẫn làm việc và nói với lại phía chúng tôi: “Tối nay, anh luộc một mớ để chú mày ăn thử cho biết mùi vị chem chép biển thế nào. Đảm bảo chú mày sẽ khoái ngay”.
Trời sập tối, mỗi người mang trên đầu cái đèn pin, cứ thế di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Chúng tôi cũng cất dụng cụ tác nghiệp lại và cầm xô, xẻng đi đào chem chép. Do chưa thành thục công việc nên việc đào chem chép bằng xẻng đối với chúng tôi gặp không ít khó khăn.
Trời chuyển dần về khuya, gió vẫn lồng lộng thổi, tiếng muỗi kêu vo ve cứ đeo bám chúng tôi. Con nước lớn dần, mọi người bắt đầu mang thành quả thu được lên ghe. Những thùng chứa chem chép nặng trĩu dính đầy bùn đất được mọi người rửa sạch trông rất bắt mắt và hấp dẫn.
Sau nhiều giờ đào bắt chem chép, vừa đói, vừa mệt nên ai nấy cũng tranh thủ rửa tay chân để dùng bữa ăn muộn. Lúc bấy giờ nước đã lớn hẳn, chúng tôi lui ghe hướng về phía Gò Công. Trên buồng lái, anh Thái vẫn không quên kể cho chúng tôi nghe chuyện về những nghề mưu sinh ở xứ biển Gò Công này. Phía ngoài xa, các con tàu của ngư dân với những đốm sáng thoắt ẩn, thoắt hiện. Và ngày mai, họ vẫn tiếp tục hành trình mưu sinh theo những con sóng. Không riêng gì con chem chép, mà những sản vật khác từ biển sẽ mang lại những mùa vui cho họ như cái tình mà họ dành cho biển.
MINH THÀNH