Sản phẩm du lịch cần có điểm khác biệt
Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 5-4-2017 là tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững... Thực tế cho thấy, để đạt được các mục tiêu này cũng không phải là điều dễ dàng.
Sản phẩm du lịch cần có điểm khác biệt. |
Ai cũng biết rằng, Tiền Giang nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái (vùng sinh thái nước ngọt phù sa, sinh thái rừng ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn Đồng Tháp Mười); cùng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây được xem là các yếu tố thuận lợi cơ bản để khai thác và phát triển du lịch của Tiền Giang.
Thế nhưng, trên bình diện tổng thể, du lịch của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện hữu. Từ thực tế như thế sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành Dịch vụ còn thấp. Từ thực tiễn như thế, Nghị quyết 11-NQ/TU ra đời đáp ứng được nhu cầu mang tính cấp bách, nhằm khai thác đúng tiềm năng, lợi thế và đặc biệt là đáp ứng được mục tiêu đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của ngành Du lịch Tiền Giang là 10,2%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 4.264 tỷ đồng. Theo đó, năm 2015, Tiền Giang đón 1,52 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 517.000 lượt khách quốc tế. Năm 2016, Tiền Giang đón 1,69 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 662.000 lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tiền Giang đón 843.000 lượt khách du lịch, tăng 5,6% so cùng kỳ. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, Tiền Giang vẫn còn thiếu những điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ khu vực và quốc tế; chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp du lịch phần lớn quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao và thiếu sự gắn kết. |
Với lợi thế hiện hữu, du lịch của Tiền Giang tất nhiên vẫn còn tiềm năng để khai thác và phát triển. Chưa kể, xét trong bức tranh chung của khu vực, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch Thới Sơn đã được quy hoạch thành 1 trong 5 khu du lịch quốc gia và TP. Mỹ Tho là Trung tâm du lịch phía Đông của vùng ĐBSCL. Đó chính là những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch theo hướng du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Tiền Giang. Điều này được xem là thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với lãnh đạo TP. Mỹ Tho. Để khai thác được lợi thế này, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho cho rằng, tới đây thành phố sẽ tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng Khu du lịch Thới Sơn để thúc đẩy khu du lịch này phát triển.
Tất nhiên, khai thác, phát triển du lịch trong thời điểm hiện tại không thể nói một cách chung chung, mà phải tìm ra những điểm khác biệt. Bởi suy cho cùng, điều kiện để khai thác và phát triển du lịch của hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều có nhiều nét tương đồng, chưa kể sản phẩm du lịch dường như mang tính na ná, trùng lắp với nhau. Nhưng để tìm ra điểm khác biệt cho từng cụm, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong bức tranh chung của vùng ĐBSCL cũng không phải là điều đơn giản. Khi đề cập đến kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho rằng, huyện cũng sẽ cố gắng triển khai nhanh Dự án Kè sông Tiền kết hợp với khai thác Công viên trái cây và chợ nổi để phát triển du lịch. Đồng thời, để du lịch Cái Bè phát triển mạnh trong tương lai, huyện cũng cần phải đầu tư hoàn chỉnh tour du lịch từ bến tàu gần Công viên trái cây chuẩn bị triển khai thực hiện để đi đến các làng nghề, chợ nổi, nhà cổ... “UBND huyện cũng đã làm việc với Ban Hội hương của Đình thần Đông Hòa Hiệp và Miếu Cậu nhằm duy trì, khôi phục lại tập tục thờ cúng theo đúng bài bản, văn hóa, đồng thời kết hợp với các lễ hội khác tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan”- ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết.
Sản phẩm du lịch cần có sự khác biệt. |
Suy cho cùng, muốn du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chắc chắn còn nhiều việc phải làm liên quan đến việc xác định lại chính sách đầu tư và thu hút đầu tư cho ngành Du lịch; việc xác định các cụm, tuyến du lịch trên cơ sở 3 vùng kinh tế - đô thị đã được tỉnh xác định; xây dựng và khai thác các chuỗi hoạt động, sự kiện nhằm thu hút khách du lịch và đặc biệt là chú trọng vào khâu liên kết trong phát triển du lịch. Quan điểm chính về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được đề cập trong Nghị quyết 11-NQ/TU là phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử của tỉnh; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững; phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp; lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút khách du lịch; đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác như: Du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch thể thao...
PHƯƠNG ANH