Thị trường tiêu thụ thủy sản đang chuyển hướng mạnh
Thủy sản xuất khẩu (XK) là một trong những nhóm ngành đang lấy lại đà hồi phục nhanh sau một thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, cơ cấu thị trường tiêu thụ nhóm ngành này cũng đã chuyển hướng rất nhanh chóng. Phân tích thêm về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Tiền Giang, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) cho biết:
Thủy sản XK đang lấy lại đà hồi phục. |
Nhìn chung ngành Thủy sản XK có những khởi sắc tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra, ngay từ đầu năm 2017, giá bán các nhóm sản phẩm đã tăng ở tất cả các thị trường tiêu thụ chính kéo theo giá nguyên liệu trong nước tăng theo. Điều này có lợi cho cả người nuôi cá và DN XK nhờ bán cá được giá tốt hơn. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong những tháng đầu năm 2017, mặt bằng chung giá bán cá tra đã tăng từ 10% - 15%, sản lượng bán ra cũng tăng gần 7%. Riêng đối với GODACO cũng theo xu hướng chung, sản lượng bán ra cũng tăng khoảng 15%, giá bán cũng tăng từ 10% - 15%. Nhờ đó, so với cùng kỳ của năm trước, các chỉ tiêu cơ bản đặt ra ngay từ đầu năm của GODACO đã vượt từ 10% - 15%. Điều này cũng phần nào cho thấy những tín hiệu lạc quan hơn cho cả ngành nuôi trồng, chế biến, XK thủy sản nói chung và của nhóm ngành cá tra nói riêng.
* Phóng viên (PV): Như vậy, dự báo nhóm ngành hàng này tới đây sẽ như thế nào, thưa ông?
Theo đánh giá của Sở Công thương, nhiều mặt hàng nông, thủy sản đã lấy lại đà phục hồi so với năm 2016. Trong đó, XK thủy sản là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng XK của cả nhóm hàng, với mặt hàng chủ yếu là cá tra. Theo đó, XK thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 132 triệu USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng mặt hàng cá tra chiếm khoảng 90% trị giá trong kim ngạch XK thủy sản, còn lại là nghêu, sò, mực, thủy sản đóng hộp. Nguồn cung giảm so với cầu nên đẩy giá XK lên do những vụ nuôi thua lỗ trước đây đã khiến nhiều hộ nuôi cá tra phải “treo” ao, trong khi đó các DN tăng thu mua để đáp ứng các đơn hàng XK. Giá cá tra đang tăng và dự đoán có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với giá cá tra nguyên liệu như hiện nay (25.000 - 26.000 đồng/kg), người nuôi đã có lãi từ 500 - 1.000 đồng/kg. Mặt hàng cá tra của tỉnh hiện XK sang gần 50 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, những rào cản phi thuế quan của một số nước nhập khẩu nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hay các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, chương trình thanh tra riêng biệt và sự cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng XK cá tra trong khu vực vẫn còn là những thách thức đối với thủy sản Việt Nam. |
* Ông Nguyễn Văn Đạo: Trên cơ sở thuận lợi của những tháng đầu năm, những tháng cuối năm, ngành Thủy sản cũng được dự báo sẽ có thêm nhiều điểm sáng. Đặc biệt là từ tín hiệu tích cực của các thị trường tiêu thụ, chẳng hạn như thị trường trọng điểm là châu Âu, nhờ tình hình kinh tế phục hồi nên nhu cầu tiêu thụ có tăng lên. Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng là thị trường Trung Quốc. So với cùng kỳ năm trước, thị trường Trung Quốc hiện nay đã tăng trưởng khoảng 250%, trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất của XK thủy sản nói chung và cá tra của Việt Nam nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá tra bán cho thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 46%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ chiếm 18%. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nếu như kiểm soát được thị trường và chất lượng sản phẩm, ổn định được chất lượng đầu vào của nguyên liệu thì từ nay đến cuối năm, XK thủy sản sẽ có nhiều thuận lợi hơn, nhất là thị trường Trung Quốc. Chắc chắn rằng, với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành Thủy sản XK, đặc biệt là cá tra sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra của cả năm 2017.
* PV: Sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường Trung Quốc có để lại những lo ngại gì không?
* Ông Nguyễn Văn Đạo: Kinh nghiệm cho thấy, đối với thị trường Trung Quốc thời gian qua, lúc thuận lợi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản rất lớn nhưng lúc khủng hoảng lại ngừng nhập hàng một cách đột ngột, chẳng hạn như trái cây, gần đây nhất là heo gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất trong nước. Thực tiễn đó cũng sẽ để lại nhiều bài học cho ngành hàng cá tra của Việt Nam hiện nay. Bởi hiện nay, cá tra được xuất sang thị trường Trung Quốc với số lượng rất lớn, chiếm tỷ trọng cao nhất so với các thị trường khác như Mỹ hay châu Âu.
Do đó, điều cần thiết hơn bao giờ hết đối với DN XK thủy sản sang thị trường này là chú trọng hơn vào vấn đề thanh toán và cần duy trì ổn định mức chất lượng sản phẩm. Các DN XK thủy sản cũng đừng nghĩ Trung Quốc là thị trường “dễ tính” về chất lượng sản phẩm. Một mặt, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần bàn thảo những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm thống nhất đối với cơ quan ngang bộ của Trung Quốc để tránh trường hợp đóng cửa “tức thời” nhằm kiểm soát lại chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt khách quan cho thấy, đối với mặt hàng cá tra, hiện nay Trung Quốc chưa thể nuôi trồng, chế biến với quy mô lớn nên chúng ta có thể kỳ vọng vào sức tiêu thụ ổn định của thị trường. Bên cạnh đó, cá tra là mặt hàng có chất lượng tốt, giá bán mang tính “bình dân” nên phù hợp với túi tiền của người dân Trung Quốc và sức mua của thị trường này rất lớn nhờ dân số đông...
* PV: Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG ANH (thực hiện)