Vươn lên làm giàu từ cây thanh long
Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi giúp nông dân phát huy tính cần cù, chịu khó, tạo sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, bền vững. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình SX-KD giỏi, trong đó nổi bật có 2 nông dân Lê Văn Rỡ và Nguyễn Văn Báo ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo đã vươn lên làm giàu từ cây thanh long.
Ông Lê Văn Rỡ vươn lên khá giả nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. |
MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG
Sau nhiều năm trồng lúa không mang lại hiệu quả, bởi thường xuyên gặp “điệp khúc” được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, năm 2007, ông Lê Văn Rỡ (ấp Quang Phú) đã quyết định chuyển sang trồng thanh long. Lúc đầu, ông trồng xen hoa màu trong vườn thanh long để “lấy ngắn nuôi dài” chăm sóc cho vườn thanh long mới trồng. Ông Rỡ cho biết: “Trồng thanh long dễ chăm sóc lại cho năng suất cao, giá cả ổn định nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Trước đây, 1.000 m2 đất trồng lúa mỗi năm chỉ cho lãi cao nhất chưa đến 10 triệu đồng, bây giờ với diện tích đó chuyển sang trồng thanh long, tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống kinh tế gia đình tôi dần ổn định”.
Theo ông Rỡ, cây thanh long khi vào mùa mưa thường bị bệnh đốm trắng và thối nhũn. Để thanh long được năng suất cao, ông thường xuyên chăm sóc, phun thuốc, bón phân để hạn chế bệnh gây hại. Ông Rỡ chia sẻ: “Do gia đình đơn chiếc nên tôi không chủ động cho trái vào những tháng mưa, mà chờ đến khoảng tháng 8, 9 xông đèn để xử lý nghịch vụ. Tuy làm vụ nghịch rất tốn kém, nhưng mỗi công thu hoạch được từ 1,5 - 2 tấn trái, giá cả luôn ở mức cao (có thời điểm đến 30 ngàn đồng/kg) nên lợi nhuận cao hơn so với làm mùa thuận”.
Những ngày này, trời mưa nhiều, ông Rỡ thường xuyên phun thuốc phòng trừ bệnh, cắt bỏ những bẹ già, bị sâu bệnh để không lây sang trái. Ông Rỡ cho biết: “Để trồng cây thanh long có năng suất cao, người trồng cần phải xử lý nước hợp lý. Cây thanh long thuộc họ xương rồng nên mương vườn trồng thanh long cần phải tiêu thoát tốt. Ngoài ra, cần phải thường xuyên vệ sinh cây, nhổ cỏ xung quanh cây thì cây mới phát triển tốt”.
Nhờ chịu khó, ham học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn thanh long nhà ông luôn cho năng suất cao. Năm 2016, vườn thanh long của ông cho thu nhập lên đến 685 triệu đồng. Từ nỗ lực đó, nhiều năm liền ông được công nhận danh hiệu Nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, mới đây, ông được Bằng khen nông dân SX-KD giỏi cấp Trung ương.
Lão nông Nguyễn Văn Báo vẫn cần mẫn với vườn thanh long của mình. |
87 TUỔI VẪN CẦN MẪN VỚI VƯỜN THANH LONG
Đến ấp Quang Thọ hỏi nhà nông dân Nguyễn Văn Báo trồng thanh long, ai nấy cũng ngợi khen. Bởi ở tuổi 87, ông Báo vẫn cần mẫn, chăm sóc vườn thanh long cho hiệu quả cao. Trồng thanh long được 15 năm cũng là khoảng thời gian kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả hơn.
Ông Báo gắn bó với nghề nông từ năm 17 tuổi và đã trồng qua nhiều loại cây khác nhau như: Mía, lúa, hoa màu.... Cuối cùng, ông đã chọn cây thanh long và đã gắn bó với cây trồng đặc sản này đến tận bây giờ. Bởi theo ông, cây trồng này đã giúp cho ông vươn lên làm giàu bền vững. Gặp ông Báo khi ông vừa chăm sóc vườn thanh long của mình về, ông bảo: “Bây giờ là mùa mưa, cây dễ bị bệnh nên phải thường xuyên chăm sóc, mỗi tuần phun thuốc 1 lần để hạn chế cây bị bệnh đốm trắng và các loại bệnh hại khác”.
Theo ông Báo, đối vơi thanh long, 1.000 m2 đất nên trồng khoảng130 gốc. Nếu trồng nhiều cây hơn sẽ không hiệu quả, thậm chí cây sẽ không phát triển tốt. Ông Báo còn cho biết thêm: Xử lý thanh long cho trái nghịch vụ tốn nhiều chi phí, khi đó giá thanh long phải ở mức 10.000 đồng/kg trở lên thì người trồng mới có lãi. Dù vậy, vào mùa nghịch, thanh long có giá khá cao, có khi “sốt giá” lên đến 30.000 đồng/kg. Khoảng 2 năm nay, thanh long mùa nghịch thường có giá trên 10.000 đồng/kg nên mang lại thu nhập khá tốt cho gia đình ông. Năm 2016, 1,3 ha trồng thanh long của ông cho thu nhập lên đến 635 triệu đồng. Bên cạnh chăm sóc vườn thanh long của gia đình, ông Báo cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với bà con xung quanh. Với những nỗ lực và kết quả đạt được trên, năm 2016, ông Báo được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2017, ông được tặng danh hiệu Nông dân SX-KD giỏi cấp Trung ương.
Kết thúc cuộc trò chuyện cũng là lúc ông Báo tiếp tục đi chăm sóc vườn thanh long của mình, công việc mà ông đã gắn bó nhiều năm qua, giờ đã trở thành thói quen không thể dứt được. Nhờ vậy, vườn thanh long của lão nông ở tuổi 87 này lúc nào cũng xanh tốt, ít sâu bệnh và đạt năng suất cao.
QUỐC TUẤN