Thứ Sáu, 11/08/2017, 15:49 (GMT+7)
.

Bài toán trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với kinh tế tập thể nói chung và đối với các hợp tác xã (HTX) nằm trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) nói riêng ngày càng trở thành “tiêu chí” bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với loại hình kinh tế tập thể chưa bao giờ là dễ dàng.

Mô hình sản xuất của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim từng được kỳ vọng nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.                                                                                                                                                                        Ảnh: thế anh
Mô hình sản xuất của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim từng được kỳ vọng nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thế Anh

Nhìn vào thực tiễn

Số lượng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhanh nhưng chất lượng hoạt động, nhất là việc thực hiện các mô hình liên kết trong nội bộ thành viên và liên kết với các đối tác bên ngoài trong tiêu thụ sản phẩm thực sự còn là bài toán khó tìm lời giải thỏa đáng.

Nếu nhìn một cách tổng thể, kinh tế tập thể, chủ yếu là THT và HTX có số lượng tương đối khá. Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động lại là câu chuyện khác. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hoạt động của các THT, đặc biệt là các THT nằm trong các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM những năm vừa qua cho thấy, trừ các THT cung cấp nước sinh hoạt nông thôn có số lượng thành viên tương đối lớn, còn lại số lượng thành viên rất ít, quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn, chưa liên kết được với các doanh nghiệp nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động của đa số THT còn thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác còn lỏng lẻo, không đảm bảo tính ổn định và bền vững; đa số còn gặp khó khăn trong quan hệ giao dịch kinh tế, khó tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, thiếu sự quan tâm, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. “Đối với các THT nằm trong các xã đã được công nhận NTM vừa qua chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt của người dân, có những THT mang tính hình thức, khó có thể phát triển lên HTX” - ông Nguyễn Văn Hồng đánh giá.

Cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, đối với mô hình HTX, những tháng gần đây đã có sự thay đổi đáng kể về số lượng. Một trong những nguyên nhân chính là do thực hiện theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối với các xã xây dựng NTM, trong Tiêu chí số 13, bắt buộc phải có HTX chứ không phải là THT như trước đây. Điều này dẫn đến thực tế hiện nay là các địa phương tập trung phát triển HTX. Chỉ tính từ tháng 3 đến 7-2017, toàn tỉnh đã phát triển hơn 20 HTX, đa số trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh vận tải và chủ yếu tập trung vào các xã đăng ký xây dựng NTM.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, cũng có một số HTX được thành lập xuất phát từ nhu cầu của người dân trên tinh thần tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, có phương án sản xuất - kinh doanh rõ ràng, có liên kết được với doanh nghiệp và sau khi hội nghị thành lập đi vào hoạt động ngay. “Tuy nhiên, số lượng HTX theo dạng này còn ít, còn lại các HTX thành lập sau này chưa xuất phát từ nhu cầu của người dân, mặc dù được thành lập đúng trình tự, thủ tục theo quy định nhưng hoạt động có hiệu quả hay không còn là câu chuyện khác. Qua khảo sát thực tế, có nhiều HTX có phương án sản xuất - kinh doanh chung chung, vốn điều lệ thấp, thậm chí có thành viên HTX chưa góp vốn nên rất khó hoạt động. Theo tổng hợp của Liên minh HTX tỉnh, trong năm 2017 các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh đăng ký thành lập mới 50 HTX, nên cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HTX hiện có thông qua công tác tuyên truyền, vận động để người dân ý thức và tự nguyện tham gia” - ông Nguyễn Văn Hồng phân tích.

Mô hình sản xuất của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim từng được kỳ vọng nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.
Mô hình sản xuất của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim từng được kỳ vọng nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

Điều đương nhiên là trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng giống chất lượng, năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thì việc hình thành các HTX kiểu mới là rất cần thiết. Thế nhưng, nếu nhìn một cách tổng thể, chất lượng hoạt động của loại hình kinh tế tập thể nói chung dường như vẫn còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mặc dù loại hình kinh tế tập thể, nhất là hoạt động của các HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Điểm mấu chốt là hầu hết HTX chưa tuân thủ nguyên tắc kết nạp rộng rãi thành viên theo đúng Luật HTX năm 2012, không huy động đủ vốn góp, mức độ tham gia dịch vụ của thành viên thấp; khả năng mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, tiếp cận với các chương trình, dự án cũng như các nguồn vốn tín dụng còn hạn chế nhất định; hoạt động liên doanh, liên kết trong hệ thống với nhau cũng như với những thành phần kinh tế khác, nhất là ký kết hợp đồng bao tiêu hàng hóa nông sản cho các hộ thành viên. Chưa kể, nhiều HTX mới thành lập trong năm 2017 còn mang tính nóng vội, chưa mang tính tự nguyện, chưa đi vào thực chất; nhiều điều lệ, phương án sản xuất - kinh doanh chưa cụ thể, thiết thực…

THẾ ANH

.
.
.