Chủ Nhật, 13/08/2017, 21:31 (GMT+7)
.

Bàn về chuyện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Khi đề cập đến vấn đề liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp, nhiều vấn đề đã được chính doanh nghiệp đặt ra trước thực trạng liên kết hiện nay.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Long Uyên.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Long Uyên.

Nâng cao vai trò của Hội đồng quản trị HTX

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) cho biết, trong thời gian qua công ty tham gia thực hiện chuỗi giá trị thông qua liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm tìm nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường khó tính nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Công ty đã nỗ lực liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng qua trao đổi với các HTX cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi, lý do là bà con còn đắn đo do chưa từng thực hiện theo phương thức này. “Qua tiếp xúc với các HTX, rõ ràng vai trò của Hội đồng quản trị là rất quan trọng nhằm định hướng tốt hoạt động của HTX thông qua việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ, kể cả chiến lược hợp tác với khách hàng. Định hướng của công ty trong vài năm tới sẽ xuất khẩu rau, củ, quả, chế biến nên rất mong muốn liên kết với các HTX cung ứng sản phẩm đáp ứng được thị trường khó tính. Vì vậy, HTX cần định hướng tốt khâu sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và chủ động liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ là điểm tốt hơn thay vì phải ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến” - ông Sang cho biết.

Chú trọng vào chất lượng nguyên liệu

Ông Phan Phú Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành), chuyên chế biến trái cây, rau, củ, quả xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ chính là Hàn Quốc, Nhật, Úc, Mỹ và một số nước châu Âu cho biết, thời gian vừa qua, Sở NN-PTNT tổ chức các buổi hội thảo nhằm liên kết giữa doanh nghiệp và HTX. Qua đó, công ty cũng đã liên kết được với một số HTX như: Cam sành Mỹ Lợi (huyện Cái Bè), Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo).

Tuy nhiên, do công ty chuyên về hàng xuất khẩu nên phải ký hợp đồng với đối tác theo giá cố định nhưng khi đặt vấn đề thu mua nguyên liệu đối với thành viên HTX về giá cố định thì bà con còn e ngại về vấn đề này. Bên cạnh đó, sản phẩm chính của công ty là xuất khẩu theo dạng tươi và chế biến nên đòi hỏi chất lượng nguyên liệu đầu vào cao, trong khi đó do nhu cầu của một số thương lái, người dân thu hoạch sản phẩm chưa đạt yêu cầu về chất lượng, cũng làm hạn chế khả năng thu mua sản phẩm của công ty.

Không nên phát triển HTX một cách dàn trải

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang nhìn nhận, riêng HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở khía cạnh lúa gạo, không nên phát triển một cách dàn trải mà nên tập trung vào các lĩnh vực chủ lực như: HTX chuyên về lúa an toàn và lúa chất lượng cao, HTX chuyên về lúa thơm; HTX chuyên về lúa đặc sản, an toàn và HTX chuyên về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trong quá trình phát triển HTX trong thời gian tới cũng cần củng cố Ban điều hành, đặc biệt là vai trò của Giám đốc HTX.

Thực tiễn vừa qua cho thấy, có nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các HTX nói chung và trên lĩnh vực lúa gạo nói riêng nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò điều tiết của giám đốc. Một khía cạnh nữa là các cơ chế chính sách đối với HTX cần được quan tâm hơn, nhất là nguồn vốn phải đủ lớn mới có thể đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, ngoài khâu tổ chức sản xuất, HTX cần chú trọng vào khâu dịch vụ sau thu hoạch như thu gom, vận chuyển, phơi sấy nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Một khi HTX chủ động được cơ sở vật chất, khâu phơi sấy và bán lúa khô cho doanh nghiệp sẽ chủ động được sản lượng, mới có thể bán được giá tốt.

THẾ ANH

.
.
.