Thứ Tư, 23/08/2017, 14:17 (GMT+7)
.

Chăn nuôi công nghệ cao: Xu thế tất yếu

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong chăn nuôi luôn được các tỉnh, thành trên cả nước hướng đến để tăng năng suất, giảm giá thành, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có đầu ra ổn định. Ở Tiền Giang, ngành chuyên môn cũng đã tích cực hỗ trợ người nuôi trong việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong chăn nuôi theo CNC để đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Mô hình nuôi chim cút xuất khẩu trứng sang Nhật Bản của trang trại Trần Nguyễn Hồ.
Mô hình nuôi chim cút xuất khẩu trứng sang Nhật Bản của trang trại Trần Nguyễn Hồ.

NHIỀU MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CNC

Tiền Giang là địa phương có số lượng vật nuôi đứng đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với gần 700 ngàn con heo, 13,5 triệu gia cầm và đứng trong tốp 10 địa phương của cả nước về sản lượng thịt bò, thịt heo, thịt gà, trứng gà. Cùng với số lượng, nhiều sản phẩm chăn nuôi heo, gà, trứng cút… được áp dụng theo mô hình nuôi CNC, được thị trường đón nhận. Điển hình là mô hình nuôi chim cút xuất khẩu trứng sang Nhật Bản của trang trại Trần Nguyễn Hồ, ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành. Mô hình này được áp dụng theo CNC từ chăn nuôi đến đóng hộp xuất khẩu. Ông Trần Nguyễn Hồ chia sẻ: “Tôi đã sáng chế ra kiểu chuồng hoàn toàn mới bằng sắt, có nhiều ưu điểm như: Gọn nhẹ, chiếm ít diện tích, làm vệ sinh dễ dàng, chuồng thoáng mát, có hệ thống uống nước tự động, hệ thống làm lạnh và đặc biệt là hệ thống máng ăn hạn chế được thức ăn rơi vãi. Kiểu dáng chuồng rất phù hợp nuôi quy mô công nghiệp, có thể áp dụng ở nhiều địa phương trong cả nước”.

Bên cạnh đó, thức ăn cho chim cút cũng được trang trại này rất chú trọng, qua việc liên kết, ký hợp đồng với một số công ty sản xuất thức ăn gia cầm có uy tín trong nước. Theo đó, thức ăn mua về được trang trại cân đối lại và bổ sung thêm một số vi lượng cần thiết, đặc biệt là chế phẩm sinh học trước khi cho cút ăn. “Từ cuối năm 2013 đến nay, trang trại hợp tác với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang Nhật Bản hơn 2 triệu trứng cút/tháng. Trong thời gian tới, trang trại sẽ kiện toàn lại phương pháp sản xuất, chăn nuôi theo mô hình sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, cũng như của đối tác nước ngoài”- ông Trần Nguyễn Hồ nói.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ tham quan  trại nuôi heo theo CNC của ông Hai Chung, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ tham quan trại nuôi heo theo CNC của ông Hai Chung, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo.

Bên cạnh mô hình nuôi cút của ông Trần Nguyễn Hồ, Tiền Giang còn có mô hình nuôi dê của ông Nguyễn Minh Dũng, ấp Kim Biên, xã Long Hòa, TX. Gò Công cũng được đầu tư khá quy mô theo CNC. Hiện nay, trại nuôi dê của ông Dũng có hơn 800 con/4 ha, trong đó có 400 con dê cái và 15 con dê đực giống. Ông Dũng tâm sự: “Con giống lúc đầu hoàn toàn là giống địa phương, năng suất không cao, nên tôi đã nhập về 15 con dê đực và 3 con dê cái giống Boer để cải tạo đàn. Sau thời gian lai tạo, đàn dê hiện tại của tôi chủ yếu là dê Bách Thảo, dê lai Boer có năng suất cao. Ngoài ra, tôi đang xây dựng lò giết mổ với công suất 400 con dê/đêm, dự kiến sẽ xây dựng quầy thịt “sạch” để hoàn thành chuỗi giá trị cho con dê”.

Ngoài những mô hình chăn nuôi áp dụng CNC trên, bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin thêm: “Công ty TNHH Bình Minh AGRICO ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho; trại gà Nguyễn Tấn Phong được chứng nhận VietGAP ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông; trại gà Lê Văn Hưng ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo; trại chim cút Huỳnh Tấn Lực ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo... đã và đang hoàn thiện việc ứng dụng CNC trong chăn nuôi”.

XU HƯỚNG TẤT YẾU

Ngày 4-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 8 khu đã được UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp CNC là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Thu gom trứng cút tại trang trại nuôi chim cút Trần Nguyễn Hồ.
Thu gom trứng cút tại trang trại nuôi chim cút Trần Nguyễn Hồ.

Xác định được hiệu quả của việc ứng dụng CNC vào chăn nuôi, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành Chăn nuôi. Theo bà Nguyễn Thị Mến, Tiền Giang đã xây dựng các mô hình ứng dụng chăn nuôi CNC về giống vật nuôi, chuồng trại, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi... để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường. Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả khá cao. Vì vậy, trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục chuyển giao và nhân rộng các mô hình hiệu quả; tập trung cải tạo giống chim cút, gà ác để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm; ứng dụng thụ tinh nhân tạo gà để phát triển giống gà ta Tiền Giang. Cùng với đó, Tiền Giang cũng hình thành khu nông nghiệp CNC, khu chăn nuôi tập trung 200 ha tại xã Thạnh Hòa và các tuyến chăn nuôi tại huyện Tân Phước; khuyến khích chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung để thuận lợi trong việc ứng dụng chăn nuôi CNC; xây dựng và triển khai thực hiện dự án các chuỗi giá trị và trước mắt là chuỗi giá trị gà ác, chim cút.

Bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, để chăn nuôi theo CNC, các địa phương cần định hướng cho người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước công nghiệp hóa ngành Chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, chăn nuôi GAHP, kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Các địa phương cũng cần tăng cường công tác nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nuôi dưỡng đàn vật nuôi; bảo tồn, lai tạo giống có năng suất, chất lượng cao; phát triển, chọn lọc nâng cao năng suất các giống bản địa có chất lượng tốt theo lợi thế vùng.

Trong bối cảnh hội nhập, để sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh, tạo được thương hiệu mạnh ở thị trường trong nước và quốc tế, Tiền Giang rất cần sự đầu tư bài bản, khoa học và hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Từ thực tế tại địa phương, Tiền Giang cần phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; đào tạo và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, với sự đồng hành của mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông), từ đó tạo hướng đi đột phá cho nền nông nghiệp.

SĨ NGUYÊN

.
.
.