Thứ Sáu, 25/08/2017, 10:14 (GMT+7)
.

Liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản "sạch"

Tỉnh Tiền Giang có nguyên liệu như: Rau, thịt, trái cây, thủy sản… rất dồi dào và đã hình thành được nhiều chuỗi cung ứng an toàn, nhưng việc đưa nông sản vào thị trường TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải rào cản là sản phẩm phải an toàn. Chính điều đó mà ngành Nông nghiệp Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đã và đang làm “cầu nối” giới thiệu các doanh nghiệp 2 địa phương gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu thị trường, thỏa thuận hợp tác, để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết, đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Thanh long đóng gói của Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến nông sản Cát Tường.
Thanh long đóng gói của Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến nông sản Cát Tường.

NGUỒN CUNG LỚN

Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Gò Công, xã Long Hòa, TX. Gò Công chuyên sản xuất, kinh doanh rau các loại theo hướng an toàn, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 1.800 tấn rau các loại. Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX cho biết: “Việc tạo đầu ra ổn định, giá bán luôn cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các xã viên là điều HTX luôn hướng đến. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường tiêu thụ rau còn hạn chế, đầu ra cũng còn bấp bênh, giá cả không ổn định. Chính điều này, HTX luôn mong muốn ký kết hợp đồng lâu dài với một hoặc vài doanh nghiệp tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh. Có như vậy HTX mới nâng được chất lượng và số lượng rau. Để làm được điều này, HTX cam kết sẽ sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo được số lượng rau cung ứng như đã ký kết”.

Sầu riêng là trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, nhưng thời gian qua, loại trái cây này tiêu thụ thị trường nội địa cũng chưa nhiều mà chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc quá lệ thuộc vào thị trường này đã khiến cho giá cả luôn bấp bênh, đầu ra không ổn định. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) cho biết, trái sầu riêng của HTX được sản xuất theo quy trình GAP, cung cấp cho thương lái mỗi năm từ 400 - 500 tấn trái. Tuy nhiên, đầu ra trái cây này vẫn lệ thuộc vào hệ thống thương lái, giá sản phẩm GAP cũng bán bằng so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Chính vì vậy, HTX mong muốn hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp tiêu thụ trái sầu riêng ở thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, trong năm 2015 - 2016, sở đã làm “cầu nối” giới thiệu cho các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ, trao đổi và hợp tác các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 20 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đến Tiền Giang liên hệ, gắn kết tiêu thụ. Trên sản phẩm rau, quả, hệ thống siêu thị Metro, Sài Gòn Co.op, HTX Thương mại Dịch vụ Phú Lộc gắn kết tiêu thụ với HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Rau an toàn Thạnh Hưng, HTX Rau an toàn Tân Đông. Trên sản phẩm gà thịt, Công ty San Hà, các nhà hàng Organic, chuỗi các nhà hàng Victoria gắn kết tiêu thụ với HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công. Ngoài ra, một số công ty như: Carering Foods, Công nghệ Thiên Nhiên, Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và Xúc tiến thương mại Toàn Cầu, APT… cũng đã gắn kết tiêu thụ sản phẩm trái cây, thủy sản tại Tiền Giang, nhưng số lượng ít và không thường xuyên.

Nói về tiềm năng các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang cho biết, vùng nguyên liệu rau màu của tỉnh hiện có trên 50 ngàn ha, trong đó có khoảng 77 ha chuyên canh tác rau màu được chứng nhận VietGAP và đang thực hiện thêm 60 ha theo tiêu chuẩn này. Diện tích cây ăn trái có trên 70,7 ngàn ha và đã có 589 ha được chứng nhận GAP. Diện tích nuôi thủy sản trên 15 ngàn ha, trong đó có trên 67,5 ha được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC. Đàn heo gần 714 ngàn con, bò trên 123 ngàn con, gia cầm khoảng 13 triệu con.

Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có 9 chuỗi được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có các chuỗi cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh gồm: HTX Rau an toàn Tân Đông, HTX Rau an toàn Thạnh Hưng, HTX Rau an toàn Gò Công và các nông hộ khu vực xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành); 1 chuỗi gà ta của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, 1 HTX Chăn nuôi gà Đất Việt…

SẴN SÀNG “ĐÓN” SẢN PHẨM AN TOÀN

TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ rau, củ, trái cây, thịt, thủy sản… bậc nhất cả nước hiện nay. Mỗi ngày, thị trường này nhập khoảng 5.000 tấn nông - thủy sản các loại. Giai đoạn 2015 - 2016, tổng sản lượng rau, trái cây của Tiền Giang nhập vào 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm TP. Hồ Chí Minh là 560 ngàn tấn. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm vào thị trường này được kiểm soát khá chặt chẽ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VMART Lê Quốc Dũng cho biết, công ty chuyên cung cấp sản phẩm rau, củ, trái cây VietGAP, nhưng nguồn hàng mà công ty ký kết với các cơ sở còn hạn chế. Các HTX, tổ hợp tác (THT) đã ký kết cung cấp sản phẩm cho công ty không đều, số lượng không liên tục. Vì vậy, công ty yêu cầu các HTX, THT mở rộng diện tích, sản xuất đảm bảo được chất lượng và số lượng khi liên kết với một đối tác tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.

HTX Thương mại Dịch vụ Phú Lộc chuyên tiêu thụ rau, củ, trái cây an toàn ở thị trường huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh với mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn sản phẩm trên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc HTX nêu thực tế về mối liên kết với các HTX, THT trong quá trình thu mua nông sản: “Khi giá nông sản thấp, các đơn vị ký kết hợp đồng buộc HTX phải mua bằng với giá hợp đồng; còn khi giá lên cao, các đơn vị này bán hầu hết sản phẩm ra bên ngoài, HTX mua chẳng được bao nhiêu. Nếu làm ăn như vậy thì mối liên kết không bền chặt. Vì vậy, HTX yêu cầu liên kết tiêu thụ với một đơn vị nào ở TP. Hồ Chí Minh thì phải đảm bảo sản phẩm an toàn, số lượng phải đều và cung cấp đúng theo hợp đồng”.

Nói về mối liên kết với Tiền Giang trong việc đưa sản phẩm an toàn vào thị trường TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh nhận định: “2 ngành đã phối hợp tốt trong việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, việc liên kết chưa đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của người sản xuất và đơn vị kinh doanh”.

TP. Hồ Chí Minh đã và đang “chống” thực phẩm không an toàn, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Phước Trung, để có nguồn thực phẩm an toàn thì phải phối hợp kiểm soát chặt chẽ từ gốc. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến khích nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, từ đó kích thích người tiêu dùng có thói quen sử dụng sản phẩm “sạch”, đóng gói, có nguồn gốc. Ngành Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng mong rằng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn để cung ứng cho người dân ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.

SĨ NGUYÊN

.
.
.