Chủ Nhật, 13/08/2017, 07:24 (GMT+7)
.

Xuất hiện một số mô hình liên kết hiệu quả

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa loại hình kinh tế hợp tác với các doanh nghiệp (DN) và bước đầu mang lại hiệu quả.

1. Một trong những liên kết sản xuất được đánh giá mang lại hiệu quả là giữa Cơ sở Hương Miền Tây (gọi tắt là Cơ sở, có trụ sở tại xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) và Tổ hợp tác (THT) Bưởi Da xanh (ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho). Theo ông Đỗ Văn Xinh, Tổ trưởng THT Bưởi Da xanh, từ ngày 14-5 đến nay, Cơ sở thu mua bưởi của bà con ít nhất 3 đợt/tháng, với số lượng trung bình khoảng 15 tấn bưởi. Nhờ thực hiện được việc liên kết thu mua bưởi vừa qua, người dân trồng bưởi trong khu vực và vùng lân cận yên tâm được đầu ra. Đây cũng được xem là điểm khởi đầu trong việc thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trên trái bưởi nói riêng.

Nhân viên Cơ sở Hương Miền Tây thu mua bưởi của THT Bưởi Da xanh vào ngày 4-8.
Nhân viên Cơ sở Hương Miền Tây thu mua bưởi của THT Bưởi Da xanh vào ngày 4-8.

Còn theo nhân viên thu mua của Cơ sở, giá thu mua được tính theo giá thị trường của từng thời điểm. Cụ thể, giá mua ngày 4-8, bưởi loại I (từ 1,4 - 1,8 kg/trái) là 42.000 đồng/kg, bưởi loại II 41.000 đồng/kg, loại III 35.000 đồng/kg, loại IV 25.000 đồng/kg (từ 0,8 - 1 kg/trái). Điều được cam kết là nếu đã hẹn mua bưởi của bà con ngày nào trong mỗi tháng thì giá nào Cơ sở cũng phải cử nhân viên đến để thu mua. Hiện tại, mỗi ngày Cơ sở thu mua hàng chục tấn, với 3 chi nhánh ở tỉnh Bến Tre và rất nhiều điểm thu mua ở các tỉnh. Trên địa bàn Tiền Giang, Cơ sở mới đặt 2 điểm thu mua ở ấp Bình Thành, mới đây là ở xã Đạo Thạnh và dự kiến sẽ mở thêm một số điểm thu mua khác; đồng thời tăng ngày thu mua tại điểm ấp Bình Thành từ 3 - 5 ngày mỗi tháng khi bưởi vào mùa thu hoạch rộ.

Mặc dù đạt được một số kết quả ban đầu, theo ông Đỗ Văn Xinh, bà con nên sản xuất theo chương trình trái cây sạch, an toàn. Bởi trong trường hợp lượng trái cây tồn đọng quá nhiều, đơn vị thu mua sẽ ưu tiên tiêu thụ số lượng hàng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, THT đã triển khai thực hiện sản xuất theo mô hình VietGAP trên 9 ha bưởi. “Hiện tại, giá tiêu thụ vẫn bằng nhau nhưng khi thị trường có biến động, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ được ưu tiên và đến khi tổng kết cuối năm Cơ sở Hương Miền Tây sẽ hỗ trợ thêm từ 2% - 3% để khích lệ người dân sản xuất theo mô hình VietGAP. Tất nhiên, giá thu mua của Cơ sở này phải đảm bảo bằng hoặc cao hơn thương lái bên ngoài người dân mới bán” - ông Đỗ Văn Xinh cho biết.

2. Xuất phát từ nhu cầu về nguồn cung, chất lượng sản phẩm ổn định đối với DN tiêu thụ, nông dân có đầu ra ổn định, từ năm 2016 Công ty TNHH Nông sản Gò Công (trụ sở tại TX. Gò Công) đã liên kết với một số nông dân trồng rau xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) trong cung ứng và tiêu thụ rau ổn định thông qua hợp đồng. Để tạo nguồn cung ứng an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường, công ty đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Kiểm định chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT) đào tạo, hướng dẫn cho 5 hộ nông dân sản xuất 1,2 ha rau màu đạt tiêu chuẩn VietGAP, với các chủng loại rau ăn lá chủ lực: Rau muống, quế, ngò rí, cải xanh, cải ngọt, cần nước, diếp cá, hành lá… Theo đó, bình quân mỗi ngày công ty cung ứng cho hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, Metro, Satra từ 1,5 - 2 tấn sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty cũng như nông hộ tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, công ty cũng đã xây dựng thành công nhà sơ chế, tiêu thụ rau an toàn khép kín, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sẽ bao tiêu 100% sản phẩm rau VietGAP của 5 nông hộ/1,2 ha ký hợp đồng với công ty ngay khi xuống giống. Trên cơ sở tính hiệu quả, bền vững của mối liên kết này, công ty đang tiếp tục mở rộng số lượng, quy mô theo hướng hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thực tế vừa qua cũng cho thấy, một số mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhất là của các HTX với các DN đã phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình liên kết sản xuất rau an toàn của HTX Rau an toàn Gò Công (xã Long Hòa, TX. Gò Công). Hiện nay, HTX đang sản xuất 12 ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP có hợp đồng tiêu thụ với Siêu thị Metro, Co.op Mart, các bếp ăn công nhân… Hay HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) gắn kết mô hình Cánh đồng lớn thông qua hợp đồng với Công ty Lương thực Tiền Giang đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, thời gian qua HTX đã liên kết và tiêu thụ sản phẩm với nhiều công ty như: Công ty TNHH San Hà, Công ty Deli-Fres, Công ty TNHH MaSon Bees, Công ty TNHH KS Grand Imperial SaiGon, Công ty TNHH TP Gatal… trong việc sản xuất và tiêu thụ thương hiệu Gà ta Gò Công…

Nhìn một cách tổng thể, nhất là sau khi Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh như: Thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, rau, Gà ta Gò Công… được quan tâm đầu tư, từng bước hình thành nên các chuỗi liên kết, chuỗi an toàn thực phẩm đã mang lại các kết quả khả quan, giúp giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc gắn kết chuỗi chỉ mới thực hiện ở một số công đoạn của quá trình sản xuất, tiêu thụ như: Xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP có gắn kết với tiêu thụ, các mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn được kiểm soát theo chuỗi… nên chưa phát huy đầy đủ, toàn diện phần giá trị tăng thêm của sản phẩm, ngành hàng…

THẾ ANH

.
.
.