Thứ Năm, 28/09/2017, 20:29 (GMT+7)
.

Chuyển đổi mùa vụ để nâng cao thu nhập

Thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi mùa vụ sản xuất theo hướng cắt giảm diện tích sản xuất lúa thay thế bằng những loại cây trồng khác nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nâng cao giá trị sản xuất là mục tiêu được đặt ra đối với ngành Nông nghiệp (NN) các huyện phía Đông của tỉnh.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa ở các huyện phía Đông là yêu cầu cấp thiết  trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. (Ảnh: Khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa ở các huyện phía Đông năm 2016).
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa ở các huyện phía Đông là yêu cầu cấp thiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. (Ảnh: Khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa ở các huyện phía Đông năm 2016).

Xuất phát từ thực tiễn sản xuất NN, nhất là tình hình hạn mặn diễn ra gay gắt những năm gần đây là một trong những lý do quan trọng để ngành NN triển khai các giải pháp chuyển đổi phương thức canh tác ở các huyện phía Đông của tỉnh. Trước bức tranh sản xuất NN, Quyết định 3064/QĐ-UBND ban hành ngày 27-10-2016 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án) ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác NN trong bối cảnh thiếu nước tưới do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng nhằm ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Một trong những nội dung cốt lõi của Đề án là đến năm 2025 toàn vùng Ngọt hóa Gò Công chỉ còn sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa - màu. Riêng huyện Tân Phú Đông không còn diện tích sản xuất lúa, toàn bộ diện tích trồng lúa được chuyển sang trồng cây ăn trái thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và luân canh cây màu hoặc luân canh theo mô hình tôm - lúa hay lúa - cá.

Đề án cũng đã đưa ra mục tiêu là tổng diện tích đất sản xuất NN phải thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ ở 37 xã, 3 phường, 4 thị trấn thuộc 5 huyện, thị phía Đông của tỉnh đến năm 2025 là 26.147 ha; trong đó, thực hiện cắt vụ là 23.143 ha, 3.004 ha chuyển sang trồng cây ăn trái và chuyển vụ 4.128 ha. Theo đó, ngành NN và địa phương sẽ bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ theo hướng cắt vụ hè thu, giảm diện tích gieo trồng lúa đối với những vùng thiếu nước cuối nguồn bị thiệt hại hằng năm, áp dụng các mô hình luân canh, xen canh, đa canh nhằm đạt được giá trị cao trên đơn vị diện tích bằng canh tác 2 vụ lúa chất lượng cao, đặc sản hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa - 2 vụ màu hoặc chuyên cây màu. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ sản xuất ở các huyện phía Đông được gắn với việc thực hiện cánh đồng lớn. Đây được xem là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của việc cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng.

Việc chuyển đổi mùa vụ sản xuất theo mục tiêu của Đề án bước đầu mang lại hiệu quả. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2017, các huyện phía Đông của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi mùa vụ sản xuất lúa và cơ cấu cây trồng với diện tích 5.883 ha; trong đó chuyển vụ sản xuất lúa vụ đông xuân sớm, với diện tích 3.965 ha, chuyển đổi cơ cấu cây trồng 1.918 ha (chuyển sang trồng cây ăn quả 214 ha, chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi 42 ha, luân canh cây màu 1.663 ha). Kết quả thực hiện lũy kế từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay đã có 15.217 ha cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng; trong đó cắt vụ 3.676 ha, chuyển vụ 7.254 ha, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 4.287 ha. Song song đó, toàn tỉnh cũng đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng luân canh trên nền đất lúa với diện tích 4.706 ha; cây trồng chuyển đổi chủ yếu là dưa hấu, bắp, ớt, sả và rau màu các loại. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng cũng góp phần nâng cao thu nhập, cụ thể là trong vụ đông xuân vừa qua nông dân thu lãi từ 26 - 60 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Đề án thời gian qua cũng có một số ý kiến trái chiều liên quan đến việc chuyển đổi mùa vụ, việc lựa chọn đối tượng thay thế hay tính an toàn, hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi mùa vụ, cắt vụ... Trước thực tế sản xuất NN hiện nay và dự báo cho tương lai, kết luận phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã nhấn mạnh, quan điểm của UBND tỉnh về lâu dài là vùng phía Đông chỉ sản xuất 2 vụ để giữ độ phì nhiêu cho đất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trước mắt trước diễn biến thuận lợi của thời tiết năm 2017, UBND tỉnh thống nhất theo đề xuất của Sở NN-PTNT là tổng hợp ý kiến từ nhân dân các địa phương nằm trong phạm vi thực hiện Đề án, nếu thấy cần thiết thì điều chỉnh một phần nội dung Đề án. UBND tỉnh cũng giao cho Sở NN-PTNT chủ động đề xuất điều chỉnh nội dung, đồng thời phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quyết định phê duyệt Đề án…

P.A

.
.
.