Địa bàn nào được xây nhà nuôi chim yến?
Quy hoạch khu, vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao là vấn đề đang được đặt ra.
Sơ chế tổ yến. |
Trước thực trạng nuôi chim yến trong nhà hiện nay, Quyết định 2010/QĐ-UBND ban hành ngày 26-6-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch khu, vùng nuôi chim yến tập trung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu là ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ nuôi chim yến phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh; phát triển các khu, vùng nuôi đảm bảo môi trường sinh thái; phát triển nghề mới, tạo ra sản phẩm hàng hóa yến sào; đồng thời đưa ra mô hình nhà nuôi yến quy chuẩn, vận động di dời những nhà nuôi yến trong khu đô thị tác động xấu đến đời sống xã hội của cộng đồng dân cư xung quanh cho kế hoạch đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030.
Đến năm 2020, công tác di dời nhà yến từ khu đô thị, đông dân cư sang khu, vùng nuôi chim yến tập trung đạt 20%, hoàn thành 100% vào năm 2030 và 100% nhà yến nằm trong khu, vùng nuôi chim yến tập trung đạt quy chuẩn.
Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định 2010 là xác định khu, vùng nuôi chim yến tập trung và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh. Theo đó, khu, vùng nuôi chim yến tập trung được xác định cụ thể ở 11 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh; tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông (xã Bình Nghị, xã Bình Ân, xã Tân Đông, xã Phước Trung và xã Tăng Hòa), huyện Gò Công Tây (xã Long Bình, xã Bình Tân, xã Yên Luông, xã Vĩnh Hựu và xã Long Vĩnh), huyện Chợ Gạo (xã Xuân Đông, xã Hòa Định, xã Bình Ninh, xã Trung Hòa và xã Tân Bình Thạnh), TX. Gò Công (xã Bình Xuân và xã Tân Trung), huyện Cái Bè (xã Mỹ Lợi A, xã Mỹ Lợi B, xã Tân Hưng và xã An Thái Trung), TP. Mỹ Tho (xã Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh và xã Thới Sơn)…
Trên cơ sở khảo sát thực tế và quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh cũng khuyến cáo các nhà nuôi chim yến (gọi tắt là nhà yến) được xây dựng trước năm 2015 nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế nên chuyển đổi công năng sử dụng và khuyến khích các nhà yến xây dựng trong giai đoạn này mang lại hiệu quả kinh tế có lộ trình di dời về khu, vùng quy hoạch. Theo hiện trạng quần đàn, tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế, tính cần thiết, vùng ưu tiên phát triển nhà yến được xác định ở các địa phương:
TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và TX. Gò Công.
Đối với các nhà yến nằm ngoài khu, vùng quy hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030, các nhà yến đã xây dựng trước khi quy hoạch nhưng nằm ở khu vực nông thôn (không nằm trong các vùng nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, khu đông dân cư) thì được bảo tồn, không phát triển diện tích nuôi và đưa vào diện quản lý cho phép tồn tại.
Các nhà yến này là nguồn cung cấp chim yến giống để phát triển các nhà yến mới trong khu, vùng quy hoạch nhưng phải tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn sinh học. Đối với các nhà yến nằm trong khu đô thị trong giai đoạn từ khi quy hoạch được ban hành đến năm 2020 cần kiểm tra, rà soát lại số lượng quần đàn; nếu dưới 500 con/nhà thì địa phương thỏa thuận với chủ hộ di dời về khu, vùng quy hoạch.
Trong khi đó, tại các khu, vùng quy hoạch đã được phê duyệt, trong quá trình xây dựng nhà yến cũng cần chú ý vị trí xây dựng có ảnh hưởng đến công trình sinh hoạt cộng đồng như trường học, trạm y tế… và không khuyến khích nuôi gần khu công nghiệp, nhà máy, trường học, khu hành chính, khu đông đúc dân cư…
PV