Hướng đi mới cho vùng đất khó Bình Đông
Là “cửa ngõ” phía Đông của tỉnh, xã Bình Đông (TX. Gò Công) có lợi thế trong việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, việc tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giúp xã Bình Đông đứng trước cơ hội mới. Theo đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu được xem là hướng đi cần thiết.
Mô hình trồng sơ ri xen canh mãng cầu Xiêm cho hiệu quả kinh tế khá cao. |
Có thể nói, xã Bình Đông là vùng đất khó trước và sau dự án Ngọt hóa Gò Công đi vào vận hành. Thời gian qua, cầu Mỹ Lợi được đưa vào sử dụng đã góp phần kéo Tiền Giang xích lại gần TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ. Chính điều này đã tạo ra lợi thế cho xã Bình Đông nói riêng và Tiền Giang nói chung trong việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở xã Bình Đông. Hiện nay, phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở địa phương được người dân trồng lúa nhưng tình hình biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất. Chính vì vậy, việc thay thế cây lúa bằng những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu được xem là hướng đi cần thiết.
Thực tế cho thấy, tại địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới; trong đó trồng cây sơ ri xen canh mãng cầu Xiêm là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Nguyễn Văn Bá (ấp Muôn Nghiệp) là người tiên phong trong việc canh tác mô hình này. Cách nay 4 năm, từ 5 công đất lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Bá mạnh dạn chuyển sang trồng sơ ri và cho lợi nhuận gấp 3 lần cây lúa. Tiếp đến, nhận thấy cây mãng cầu Xiêm phát triển tốt trên vùng đất phèn, mặn, ông Bá tiếp tục trồng thử nghiệm xen canh loại cây này vào vườn sơ ri và mang lại hiệu quả bước đầu. Ông Bá cho biết, nhờ thích ứng với thời tiết và thổ nhưỡng, cây sơ ri cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Mỗi năm, 5 công đất sơ ri của gia đình cho lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng, trong khi trồng lúa chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng. “Hiện nay, vườn sơ ri xen mãng cầu Xiêm của tôi phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế khá. Đợt trái đầu, mãng cầu Xiêm cho trái to, đạt chất lượng tốt. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng thêm diện tích mãng cầu Xiêm” - ông Bá cho biết.
Cũng tại ấp Muôn Nghiệp, ông Dương Văn Việt được xem là người tiên phong trong việc trồng cây dưa gang trên nền đất lúa. Đây là bước đi táo bạo mang lại cho ông Việt thắng lợi lớn. Tháng 10-2016, nhận thấy việc trồng lúa còn nhiều bấp bênh, ông Việt đã quyết định chuyển 2 ha đất sang trồng dưa gang. Nhờ thích ứng với vùng đất phèn, mặn, cây dưa gang sinh trưởng và phát triển tốt giúp ông Việt có một vụ mùa bội thu. 2 ha dưa gang của ông thu được khoảng 80 tấn dưa, tính ra, ông thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Ông Việt bày tỏ: “Trồng dưa gang cũng như trồng hoa màu, đòi hỏi phải chăm sóc thường xuyên và đúng cách. Mỗi năm trồng 3 vụ. Đến nay, nhà tôi đã trồng được 2 vụ, cả 2 vụ đều thu lãi cao. Bên cạnh hiệu quả cao hơn cây lúa, trồng dưa gang không phải tiêu tốn nước nhiều như trồng lúa. Đây là ưu điểm của loại cây này trong điều kiện khó khăn về nguồn nước như nơi đây. Vừa qua, một người bạn gần nhà cũng đã chuyển 1 ha lúa kém hiệu quả sang trồng dưa gang và cũng đạt năng suất, lợi nhuận cao”.
Chăn nuôi bò, dê thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. |
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, chăn nuôi bò, dê cũng phát triển mạnh tại xã Bình Đông. Bò, dê là động vật ăn cỏ, thức ăn rất dễ kiếm lại ít sử dụng nước nên đã được nhiều hộ dân lựa chọn làm giải pháp cải thiện sinh kế. Đặc biệt, chúng cũng được xác định là vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu bởi thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên. Anh La Hoàng Trận, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi bò xã Bình Đông cho biết, tổ hợp tác được thành lập hơn 2 tháng với khoảng 30 thành viên. Thời gian qua, chăn nuôi bò được nhiều người dân địa phương chọn làm giải pháp phát triển kinh tế. Với thế mạnh nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nên nguồn thức ăn khá dồi dào. Người dân tận dụng rơm, rạ sau thu hoạch để làm thức ăn cho bò. Thêm vào đó, nuôi bò cũng không cần nhiều vốn như các loại vật nuôi khác, chỉ tốn công cắt cỏ.
Theo ông Nguyễn Hồng Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông, thực hiện chỉ đạo của UBND TX. Gò Công, xã đã lập kế hoạch cắt, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng. Đến nay, xã đã thực hiện việc cắt, chuyển vụ trên diện tích 190 ha; trong đó, cắt vụ 160 ha, chuyển vụ 30 ha. Đối với những diện tích chuyển đổi mùa vụ (chủ yếu ở ấp Năm Châu), sẽ chuyển từ trồng lúa sang cây sơ ri, sả, trồng cỏ nuôi bò, dê… Ở xã hiện có 5 ha trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần giải quyết việc làm cho những lao động nông nhàn. Hiện nay, đàn bò, dê ở xã tăng bình quân 3%/năm. Các loại vật nuôi này bên cạnh nguồn thức ăn dễ tìm, chúng còn là loài thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, cho hiệu quả kinh tế khá cao…
MINH THÀNH