Thứ Ba, 19/09/2017, 06:57 (GMT+7)
.

Kinh nghiệm và chia sẻ về nuôi yến

Nhắc đến nghề nuôi chim yến trong nhà, nhiều người nghĩ đến ông Trần Văn Thiết (tên thường gọi là ông Mười Thiết), bởi không chỉ có thâm niên mà ông còn có nhiều nhà nuôi chim yến (gọi tắt là nhà yến) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Văn Thiết bên khu vực nuôi chim yến đang xây dựng.
Ông Trần Văn Thiết bên khu vực nuôi chim yến đang xây dựng.

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm về trang trại nuôi chim yến của ông Mười Thiết. Ông Mười Thiết gắn bó với nghề nuôi chim yến vào những năm 1980 tại xã Long Bình, huyện Gò Công Tây và trở thành một trong những người có số lượng nhà yến lớn nhất của tỉnh. Với số lượng nhà yến hiện có, ông Mười Thiết có thể thu hoạch trung bình mỗi tháng gần 20 kg tổ yến. “Sau thời gian chững lại, nhìn chung phong trào xây dựng nhà yến đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Dĩ nhiên, nghề nuôi chim yến có mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều ngôi nhà mới được xây dựng”- ông Mười Thiết cho biết.

Hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, ông Mười Thiết hiểu rất rõ cách thức xây dựng, thời điểm ra đàn và những đặc tính của chim yến. Theo ông Mười Thiết, việc xây dựng nhà và “chiêu dụ” chim yến vào nhà ở cũng phải dựa vào kinh nghiệm. Đặc biệt, việc mở máy phát âm thanh để “chiêu dụ” chim yến vào ở phải được thực hiện ngay thời điểm chim yến ra đàn, nếu không số lượng chim yến vào ở rất ít và hiệu quả mang lại sẽ không cao. Chưa kể, xây dựng nhà dẫn dụ chim yến vào ở đã khó, việc tạo môi trường cho chim yến “sinh sôi nảy nở” lại càng khó hơn;  bởi sự thành công của người nuôi chim yến được quyết định vào tốc độ tăng đàn trong ngôi nhà yến của mình. Chim yến ở nhiều, sinh sản nhanh thì có nhiều tổ yến; điều này cần khoảng thời gian khá dài nên những người có vốn ít, cầm cự thời gian lâu rất dễ bỏ cuộc. Kinh nghiệm cho thấy, nếu nhà yến được xây ở khu vực có chim yến ở đông có thể 7 năm thu hồi vốn, còn nơi ít chim yến phải mất khoảng 10 năm mới có thể hoàn vốn. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, ông Mười Thiết nghiệm ra rằng, nghề nuôi chim yến giống như “xây mỏ vàng trắng”. Nghề này cần vốn đầu tư rất lớn và đến khi có sản phẩm rồi thì cho lãi cũng rất cao. “Quy mô xây dựng nhà yến tùy thuộc vào túi tiền của mỗi hộ nuôi, nhưng ít nhất cũng phải lên “2 tấm”; bởi khi có yến vào ở thì chủ nhà không thể xây cao thêm vì nếu xây sẽ làm động, chim yến bỏ đi. Chưa kể, chủ nhà phải tính toán làm sao để dễ dàng mở rộng quy mô khi cần thiết”- ông Mười Thiết cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông Mười Thiết, từ khi yến làm tổ đến khai thác mất thời gian khoảng 4 tháng, nhưng thông thường tổ yến được thu hoạch theo dạng cuốn chiếu, khoảng 10 ngày một đợt. Hiện nay, giá bán tổ yến trên thị trường cũng tương đối “mềm” hơn, chỉ dao động từ 13 - 14 triệu đồng/kg loại tươi mới thu hoạch; còn tổ yến được phân loại có giá từ 18 - 19 triệu đồng/kg (loại xô), 22 triệu đồng/kg loại I và 32 triệu đồng/kg loại tổ yến đã qua sơ chế. “Giá bán hiện tại đã thấp hơn rất nhiều so với trước đây (trước đây loại tổ yến đã qua sơ chế sạch lông được bán với giá 58 triệu đồng/kg). Giá bán xuống thấp phần lớn là do ảnh hưởng của tổ yến ngoại nhập, nhất là hàng của Thái Lan, Malaysia. Tuy nhiên, trên thị trường rất khó phân biệt yến của Việt Nam hay yến ngoại nhập, chỉ có những người trong nghề, kinh nghiệm lâu năm mới có thể phân biệt được”- ông Mười Thiết cho biết.

Không chỉ xây dựng khu liên hợp nhà yến ở xã Long Bình, ông Mười Thiết còn đầu tư cơ sở sơ chế yến sào tại TX. Gò Công và đăng ký nhãn hiệu Yến sào thiên nhiên Mười Thiết. Theo ông Mười Thiết, tổ yến có 2 màu. Tổ yến màu trắng như thường thấy gọi là yến quan, loại này rất phổ biến. Riêng yến huyết thì rất hiếm gặp và vì hiếm nên giá yến loại này cũng rất cao, giá có thể gấp rưỡi tổ yến bình thường. Tổ yến tuy đắt tiền nhưng rất nhẹ, mỗi tổ thường nặng khoảng 7 - 8 gram, có số ít tổ trên 10 gram…

NHÓM PV KINH TẾ

.
.
.