Thứ Năm, 28/09/2017, 20:28 (GMT+7)
.

Lợi thế và tiềm năng của kinh tế biển

Tiền Giang là một trong những tỉnh, thành có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ra đời.

A
Khai thác thủy, hải sản là một trong những tiềm năng của kinh tế biển.

Về vị trí địa lý, vùng biển và ven biển Tiền Giang gồm 2 huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, với diện tích tự nhiên khoảng 490 km2. Quan điểm chung của tỉnh là tiếp tục khẳng định vùng biển và ven biển là một địa bàn chiến lược, có tiềm năng kinh tế to lớn, có vị trí quốc phòng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng; trong đó phát triển thủy sản và phát triển mạnh du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của vùng biển và ven biển, chủ trương chung của tỉnh là xây dựng thành một vùng kinh tế phát triển năng động, thu hút các nguồn đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, chuẩn bị tiền đề, tạo điều kiện cho việc hình thành khu kinh tế ven biển Gò Công. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển, du lịch và thủy, hải sản đảm bảo yêu cầu, hiệu quả cao và bền vững, gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế hiện hữu, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016 - 2020 được xác định cụ thể, bao gồm: Hoàn thành đầu tư hạ tầng thiết yếu cho Khu kinh tế Gò Công, phát triển khu kinh tế tổng hợp ven biển gắn với các khu đô thị ven biển; hình thành và phát triển kinh tế hàng hải, cảng biển; tiếp tục phát triển khu dịch vụ và khu du lịch trên biển, ven biển; xây dựng và lập đề án thành lập Khu kinh tế Gò Công, với quy mô khoảng 15.000 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp “khu trong khu” bao gồm các chức năng: Trung tâm sản xuất công nghiệp về chế biến thủy sản, chế biến điện, khai thác chế biến khí; Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch sinh thái biển; Trung tâm dịch vụ đô thị; Trung tâm khai thác, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, rừng phòng hộ ven biển; Trung tâm về dịch vụ vận tải biển và trung chuyển hàng hóa.

Khai thác thủy, hải sản là một trong những tiềm năng của kinh tế biển.
Khai thác thủy, hải sản là một trong những tiềm năng của kinh tế biển.

Một trong những lợi thế rất quan trọng của Tiền Giang không phải tỉnh, thành nào cũng có được là nằm tiếp giáp cửa biển, cửa sông, đặc biệt là cửa sông Soài Rạp. Trong khi đó, theo định hướng phát triển chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân tích của các chuyên gia, thời gian tới cửa sông Soài Rạp có thể cho tàu tải trọng từ 30.000 - 50.000 tấn ra vào. Điểm đặc biệt là luồng tàu biển qua sông Soài Rạp không có nhiều khúc quanh co, đường kính mặt sông rộng, có đoạn lên đến 2,5 km và quan trọng hơn là khoảng cách từ các cảng biển TP. Hồ Chí Minh ra tới cửa biển chỉ khoảng 60 km, ngắn hơn 20 km so với luồng sông Lòng Tàu hiện hữu. Theo kế hoạch, sông Soài Rạp sẽ được nạo vét tới độ sâu 12 m, có khả năng đón tàu biển lớn đến 70.000 tấn ra vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn theo tính toán của các ngành chức năng, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120 - 150 triệu tấn.

So với các huyện, thị, thành của tỉnh, huyện Gò Công Đông là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để khai thác và phát triển kinh tế biển. Theo đánh giá của UBND huyện Gò Công Đông, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với sự tập trung đầu tư từ tỉnh đến địa phương, có thể nói rằng tỉnh đã cơ bản hoàn thành giai đoạn chuẩn bị nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Đến nay, tỉnh đã có hạ tầng cơ bản, đầy đủ cơ sở pháp lý cho sự đầu tư thông qua các quy hoạch được xây dựng và phê duyệt, có tiềm năng về vị trí địa lý.

Trên cơ sở những điều kiện hiện tại, để tiếp tục thực hiện chiến lược kinh tế biển, trong kế hoạch sắp tới, huyện Gò Công Đông sẽ tập trung theo hướng phát triển kinh tế biển với các lĩnh vực phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản, phát triển công nghiệp với các khu công nghiệp đa năng, phát triển thương mại và dịch vụ với cảng biển chuyên dùng - tổng hợp, các chợ đầu mối, chợ chuyên dùng và các trung tâm thương mại, siêu thị, phát triển du lịch với trọng tâm là du lịch sinh thái biển Tân Thành; ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt việc chăm sóc, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Riêng trên lĩnh vực thủy sản, huyện Gò Công Đông sẽ triển khai thực hiện quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung nhằm tạo điều kiện cải tạo hệ thống môi trường, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các giống loại nuôi phù hợp với thị trường; đồng thời khuyến khích chuyển đổi nghề nghiệp các phương tiện khai thác ven bờ vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có chính sách hỗ trợ cho tàu đánh bắt xa bờ và quản lý chất lượng sản phẩm sau khai thác.

Còn trên bình diện chung của tỉnh, theo Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, để khai thác những lợi thế trên, tỉnh sẽ từng bước nghiên cứu đề án phát triển khu kinh tế biển Gò Công, tạo nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Song song đó, tỉnh cũng tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư khu vực dọc sông Soài Rạp. Ngoài ra, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng đô thị thị trấn Vàm Láng để xứng tầm khu trung tâm kinh tế biển, giao lưu kinh tế với các vùng phụ cận như: Xã Kiểng Phước, xã Gia Thuận, xã Tân Phước, xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông), huyện Cần Đước (tỉnh Long An), Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, trong định hướng phát triển, tỉnh đầu tư, thu hút đầu tư hoàn chỉnh Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành, mở rộng và phát triển kết nối các tuyến du lịch sinh thái với du lịch văn hóa. Riêng lĩnh vực đầu tư và thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực kinh tế biển, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp điện; mời gọi đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối khu vực phát triển công nghiệp với Quốc lộ 50 và hệ thống giao thông đường nội thị, đường huyện, giao thông nông thôn; đồng thời tiếp tục nâng cấp, gia cố hệ thống đê biển, nâng cấp cảng cá Vàm Láng…

PHƯƠNG ANH

.
.
.