Nỗ lực thu hoạch lúa hè thu chạy lũ
Năm nay, ngành chức năng nhận định nước lũ sẽ về sớm và cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Trước tình hình trên, lãnh đạo từ tỉnh đến các địa phương đang tích cực nâng cấp các tuyến đê còn thấp, gia cố các đập để người dân các huyện, thị phía Tây “ăn chắc” vụ lúa hè thu 2017.
Lãnh đạo tỉnh, huyện kiểm tra các đập tại huyện Cai Lậy. |
NHIỀU DIỆN TÍCH LÚA THU HOẠCH SAU NGÀY 15-9
Hiện nay, nông dân các huyện, thị phía Tây (gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành và TX. Cai Lậy) bước vào thu hoạch rộ vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, theo thống kê của các huyện, thị này thì còn nhiều diện tích lúa thu hoạch sau ngày 15-9 và nằm trong ô bao lửng, không đảm bảo ngăn lũ. Những diện tích này khi triều cường lên nhanh kết hợp với mưa to sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hoạch lúa.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, tổng diện tích lúa của huyện dự kiến thu hoạch sau ngày 15-9 trên 1.600 ha và thu hoạch dứt điểm vào ngày 23-9. Tất cả diện tích trên nằm trong các ô bao lửng, có khả năng bảo vệ cao trình +1,5 m. Tuy nhiên, nếu lũ lớn và về sớm thì các ô bao trên cần phải gia cố mới đảm bảo thu hoạch an toàn các diện tích lúa trên. Để đề phòng lũ sớm và cao, huyện xây dựng bản đồ các ô bao có khả năng bị ảnh hưởng lũ, với tổng số 22 ô ở 7 xã; tổng hợp danh mục công trình cần nâng cấp đê, đập tạm bảo vệ lúa hè thu khi lũ về sớm.
Cùng lo lắng về khả năng nước lũ sẽ ảnh hưởng đến lúa hè thu, ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, trên địa bàn huyện còn nhiều diện tích thu hoạch sau ngày 15-9 và có khả năng bị lũ đe dọa, tập trung ở các xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Phú Nhuận, Phú Cường. Các diện tích lúa này cần được bảo vệ bằng cách gia cố, nâng cấp ô bao và đắp các cống tạm khi lũ đến. Dự kiến kinh phí để thực hiện việc gia cố và nâng cấp các tuyến ô bao trên gần 1,7 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, từ ngày 15 đến 23-9, các huyện, thị phía Tây còn trên 5.839 ha lúa chưa thu hoạch; trong đó, huyện Cái Bè 1.601 ha, Cai Lậy 1.433 ha, Tân Phước 1.139 ha, Châu Thành 533 ha và TX. Cai Lậy 1.133 ha. Từ ngày 24 đến 30-9, trong vùng có 1.665 ha lúa thu hoạch và sau ngày 30-9, sẽ có 1.486 ha lúa thu hoạch. Để đảm bảo thu hoạch lúa hè thu an toàn, các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để ứng phó khi trường hợp lũ bất thường xảy ra.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC TRIỂN KHAI
Vụ lúa hè thu 2017, toàn tỉnh xuống giống trên 71.036 ha, trong đó các huyện, thị vùng bị ảnh hưởng lũ xuống giống được trên 42.000 ha. Theo Chi cục Thủy lợi, diện tích lúa thu hoạch trước ngày 15-9 là trên 29.000 ha, trong đó huyện Cái Bè trên 14.000 ha, Cai Lậy khoảng 6.700 ha, Tân Phước 4.000 ha, Châu Thành trên 1.000 ha và TX. Cai Lậy trên 3.000 ha. Ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết, nhận định của các ngành chuyên môn là mực nước cao nhất trong năm ở vùng đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10 và khả năng dao động xấp xỉ trung bình nhiều năm là 4,17 m.
Vùng hạ lưu sông Tiền tại Mỹ Tho, trong các tháng 10, 11 và 12 sẽ xảy ra 3 đợt triều cường, với mực nước cao hơn báo động 3 là 1,6 m. Khu vực nội đồng Tây Bắc Tiền Giang (Trạm Hậu Mỹ Bắc) bắt đầu chịu ảnh hưởng lũ vào đầu tháng 10, kết hợp với kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch nên mực nước sẽ lên dần và đạt giá trị cao nhất năm từ 1,7 m đến 1,9 m vào nửa đầu tháng 11. Như vậy, nếu lũ năm 2017 đến đúng theo nhận định của các nhà chuyên môn và thời gian thu hoạch lúa hè thu đúng như các huyện, thị phía Tây báo cáo thì số diện tích lúa hè thu thu hoạch sau ngày 15-9 ít có khả năng bị ảnh hưởng.
Nhận định tương đối khả quan nhưng không thể lơ là trước diễn biến của lũ. Từ đó, Chi cục Thủy lợi đã chỉ đạo các huyện, thị phía Tây xây dựng kế hoạch gia cố các đê bao, chuẩn bị sẵn vật tư để đắp các đập đầu kinh; thông báo tình hình mực nước lũ trên phương tiện truyền thông để nhân dân biết và chủ động ứng phó; theo dõi sát tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn để kịp thời điều chỉnh kế hoạch hành động khi có diễn biến bất thường xảy ra. Ngoài ra, các huyện, thị trong vùng cũng chỉ đạo các xã trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực để đắp các đập, gia cố các đê bao ngăn lũ, bảo vệ các diện tích lúa thu hoạch sau ngày 30-9; theo dõi diễn biến nước lũ và triều cường để kịp thời thông báo đến các xã có biện pháp đối phó; khẩn trương triển khai thi công, sửa chữa các công trình đã được phê duyệt.
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sở đã chỉ đạo các huyện, thị phía Tây phải quan tâm đặc biệt đến những diện tích lúa hè thu xuống giống trễ. Nếu trường hợp lũ về sớm, các diện tích lúa không có đê bao an toàn, bị lũ đe dọa thì các địa phương phải chỉ đạo cho thu hoạch sớm hơn. Trước mắt, tỉnh cũng như huyện, thị ưu tiên các công trình nâng cấp đê, đập ở những diện tích lúa sạ trễ”.
Tại buổi khảo sát đê, đập ở các huyện, thị phía Tây mới đây, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị trong vùng phải quan tâm đến những diện tích lúa nằm trong ô bao lửng, không đảm bảo ngăn lũ. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng dân không thu hoạch được lúa thì Chủ tịch UBND huyện, thị đó phải chịu trách nhiệm.
SĨ NGUYÊN