Thứ Tư, 27/09/2017, 20:18 (GMT+7)
.

Thủ tướng: ĐBSCL phải có nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững

q
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phiên thảo luận toàn thể tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất từ các nhóm quản lý Nhà nước, đối tác phát triển, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp với tinh thần chung là phát triển bền vững, thay đổi căn bản mô hình và tập quán sản xuất của người dân thích ứng với điều kiện mới, lâu dài của biến đổi khí hậu.

Kết luận hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong điều kiện biến đổi khí hậu và thực hiện các chuyển đổi lớn, chiến lược tại Đồng bằng sông Cửu Long thì việc đảm bảo sinh kế cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm.

Huy động mọi nguồn lực

Báo cáo kết quả hai phiên thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ rõ những bất cập trong việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Một vấn đề nữa là lựa chọn dự án đầu tư không xuất phát từ quy hoạch, dẫn đến dàn trải, lãng phí nguồn lực. Bộ trưởng cũng đặt vấn đề xây dựng một cơ chế phù hợp, hiệu quả để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào vùng kinh tế chiến lược này.

Còn theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, các nhà quản lý, nhà khoa học tại hội nghị đã đề xuất những quan điểm chỉ đạo để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình cụ thể giải quyết “căn cốt” giống tốt cho thủy sản, cây ăn quả và lúa gạo; giải quyết căn cốt giống tốt cho 3 nhóm sản phẩm chính thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực, đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong tham luận tại hội nghị, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Giám đốc Quốc gia UNDP Louis Chamberlain khuyến cáo một số nội dung để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long như xây dựng cách tiếp cận tổng thể mang tính chiến lược, tránh trùng lặp chính sách. Trong quá trình đó, cần chú trọng tới nhóm người dễ bị tổn thương; không để ai bị bỏ lại phía sau...

Góp ý với hội nghị, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger khẳng định Chính phủ Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết những thách thức tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại sứ Đức cũng bày tỏ đồng tình với việc cần thành lập Hội đồng phát triển vùng để điều phối chung; đẩy mạnh chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo giá trị cao hơn; phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án chống sạt lở, sụt lún; có giải pháp thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả nguồn nước; huy động, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả...

Các nhà khoa học tại hội nghị đề xuất phải sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì mình đang có, không thể thụ động chờ đợi vào các quốc gia thượng nguồn, theo đó phải lựa chọn các giống cây, con phù hợp với từng điều kiện nguồn nước (lợ, nước ngọt, mặn). Cần có giải pháp tích lũy nước trong mùa mưa, mùa lũ để dành sử dụng trong mùa khô. Không cần thiết phải sản xuất lúa 3 vụ, có thể giảm số vụ theo hướng kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả giá trị cao.

Các thách thức hiện hữu

Phát biểu kết luận sau hai ngày làm việc của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sau 20 giờ làm việc với gần 1.000 người tham dự, gồm hàng trăm lãnh đạo trung ương, địa phương, nhà khoa học, các đại biểu quốc tế, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là những kinh nghiệm của thế giới về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đã dành tâm huyết cho hội nghị này.

Khẳng định Chính phủ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng tiếp tục kêu gọi các sáng kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Thủ tướng cho biết sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Nêu ra 4 thách thức lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng chỉ rõ biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ảnh hưởng nặng nề nhất trong 100 năm qua tại đây.

"Như vùng bán đảo Cà Mau có trên 10.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản thì làm sao không gây sụt lún được?," Thủ tướng dẫn chứng và cho biết mỗi năm, chúng ta đang mất khoảng 300ha đất với xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một thách thức bởi Đồng bằng sông Cửu Long là vũng trũng về giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng.

"Các thách thức đã nêu trên không phải là dự báo mà hiện hữu, cần được nhận thức và xử lý một cách biện chứng, không tách rời," Thủ tướng tổng kết và nhấn mạnh phải giữ được đất, nước và con người thì mới thành công trong thích ứng với thiên nhiên Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần phát triển bền vững.

Thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện mới

Đề cập đến những tầm nhìn mới của vùng được nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải có nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là châu Á trong tương lai.

Thủ tướng nhấn mạnh phải xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long từ vũng trũng trong giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với môi trường nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt và phù sa; thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phù hợp với điều kiện mới trong đó lấy phát triển bền vững và hiệu quả của sản xuất làm tiêu chí quan trọng.

Thủ tướng cũng đưa ra 3 quan điểm phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của vùng.

Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

q
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cùng với đó là tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên nước, đất đai và các nguồn tài nguyên khác trong vùng; chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng, áp dụng kinh nghiệm và công nghệ mới để khắc phục nhân tai và đối phó với thiên tai.

Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải đảm bảo sự hài hòa về điều kiện tự nhiên, về đất, về nước và văn hóa con người, kế thừa các thành tựu, giá trị nhân văn và tri thức bản địa phù hợp với các quy luật tự nhiên; chú trọng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là các lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tạo lập liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và cả miền Đông Nam Bộ, giữa Tây và Đông Nam Bộ, giữa Việt Nam và các nước mà trước hết là các nước tiểu vùng Mekong.

"Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, đảm bảo tính chất liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách có tính chất “không hối tiếc”, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Phải chú trọng và chủ yếu là giải pháp phi công trình, còn tất nhiên phải làm một số công trình, Thủ tướng đề nghị.

Phát triển để phục vụ người dân

Về các giải pháp tổng thể, Thủ tướng yêu cầu định hình sự phát triển bền vững phải đặt trong bối cảnh có nhiều bất định đến từ biến đổi khí hậu và việc sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn.

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các quy hoạch tổng thể ngành, địa phương đã có, xây dựng quy hoạch mới cần chuyển từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với nước mặn và ngập; phấn đấu đến năm 2050 Đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD, tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 5%.

Thủ tướng cũng đề nghị phát triển dịch vụ du lịch trong vùng dựa trên đặc điểm tự nhiên sinh thái, văn hóa, con người có hiệu quả kinh tế cao; phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên sẵn có.

"Phải khắc phục nhanh cho được việc quản lý nhà nước thừa, chồng chéo, nhưng thiếu phối hợp. Chậm ban hành một cơ chế phát triển vùng," Thủ tướng nói và yêu cầu tiếp tục cập nhật và hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam cho đến năm 2100 và công bố công khai theo định kỳ.

“Dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ. Không chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt đắt tiền nhưng giá trị thương mại lại rất thấp. Trong quá trình chọn lựa cây con cần thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu," Thủ tướng nói.

Yêu cầu hạn chế tối đa làm nhiệt điện than và nếu làm, không được làm ảnh hưởng đến môi trường, Thủ tướng khuyến khích việc phát triển năng lượng tái tạo - một tiềm năng còn rất lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là duy trì chương trình phát triển đô thị thông minh; chương trình nước sạch liên vùng và xây dựng nhà ở an toàn, vệ sinh cho người dân.

Thủ tướng gợi ý nghiên cứu thành lập quỹ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều nguồn lực, đặc biệt là mọi cấp ngân sách. Từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất là 1 tỷ USD. Xây dựng cơ chế hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là các vùng đồng bằng lớn trên thế giới để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật của các nước phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô lớn như hội nghị hôm nay để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long," Thủ tướng cho biết.

Theo vietnamplus.vn
 
 

.
.
.