Trăn trở cùng "vương quốc chôm chôm"
Nếu cù lao Ngũ Hiệp được mệnh danh là “vương quốc sầu riêng” thì cù lao Tân Phong được mệnh danh là “vương quốc chôm chôm” của huyện Cai Lậy. Thời hoàng kim, trên vùng đất cù lao Tân Phong này gần như nhà nào cũng trồng chôm chôm. Thế nhưng, thời gian gần đây, diện tích trồng chôm chôm đã giảm đáng kể.
Các vựa trái cây ở xã Tân Phong mỗi ngày thu mua hàng tấn chôm chôm. |
GIÁ BẤP BÊNH
Không ai nhớ rõ cây chôm chôm đã xuất hiện trên vùng đất cù lao này từ khi nào, nhưng vào những năm 90 của thế kỷ trước, vùng đất Tân Phong được xem là xứ sở của cây chôm chôm. Thời đó, cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá, giàu. Ông Trương Hoàng Vui, ấp Tân Thiện cho biết, vào những năm 90, ở xã Tân Phong cứ 10 nhà thì có đến 7 nhà trồng chôm chôm. Chôm chôm là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất cù lao, cộng với giá cả ổn định nên được nhiều nông dân lựa chọn. Nhờ cây chôm chôm mà nhiều gia đình đã nuôi con ăn học thành tài.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, giá chôm chôm thường xuyên biến động theo chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2016, chôm chôm vào đợt thu hoạch rộ có giá khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg; còn hiện nay đang vào mùa thu hoạch rộ, giá chỉ còn 6.000 đồng/kg. Giá chôm chôm vụ thuận thấp nên nhiều nông dân đã chuyển sang xử lý cho trái vụ nghịch. Thế nhưng, xử lý cho trái vụ nghịch tốn nhiều chi phí, trong khi giá cũng khá bấp bênh. Năm 2015, giá chôm chôm vụ nghịch chỉ 4.000 đồng/kg, đến thời điểm gần tết năm 2016 cũng chỉ ở mức khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Nông dân thu hoạch chôm chôm. |
Những ngày này, vùng cù lao Tân Phong được “nhuộm đỏ” bởi màu của những vườn chôm chôm bước vào giai đoạn thu hoạch; người mua, người bán tấp nập, ngược xuôi. Thế nhưng, những người nông dân nơi đây vẫn không giấu được sự lo lắng, bởi giá hiện quá thấp. Bên cạnh đó là việc thuê nhân công thu hoạch chôm chôm rất khó khăn, do nhiều thanh niên đã rời quê đi làm công nhân; có nơi phải thuê nhân công với giá 35.000 đồng/giờ, bao luôn tiền cơm mà cũng không dễ thuê được. Ông Hồ Minh Tân, ấp Tân Thái, vừa hái chôm chôm vừa chia sẻ trong ngậm ngùi: “Với giá chôm chôm 6.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền thuốc, phân, công chăm sóc, thuê nhân công thu hoạch…, tính ra nông dân chẳng còn lãi, thậm chí còn bị lỗ vốn”.
DIỆN TÍCH GIẢM MẠNH
Trước tình trạng giá bấp bênh, những năm qua, nhiều nông dân ở vùng cù lao Tân Phong đã chuyển đổi từ cây chôm chôm sang trồng các loại cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là sầu riêng và mít Thái siêu sớm. Theo nhiều nông dân ở xã Tân Phong, trồng sầu riêng tuy cực công chăm sóc, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng có lãi cao hơn so với trồng chôm chôm.
Trong khi đó, mít Thái siêu sớm vừa phù hợp với thổ nhưỡng, lại nhanh cho thu hoạch nên cũng được nhiều nhà nông lựa chọn. Từ đó, diện tích trồng chôm chôm trên địa bàn xã Tân Phong đã giảm đáng kể. Ông Trần Công Hội, cán bộ thống kê xã cho biết: “Năm 2008, diện tích trồng chôm chôm ở xã Tân Phong là 750 ha, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 603 ha, tập trung chủ yếu ở ấp Tân Luông A, Tân Bường A. Các ấp Tân Thiện và Tân Thái trước đây là vùng trồng tập trung chôm chôm, nhưng hiện nay chỉ còn rải rác vài hộ”.
Chị Nguyễn Thị Ngân Thúy, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Phong lý giải, diện tích trồng chôm chôm giảm là do người dân thấy cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước đây. Tuy vậy, hiện ở một số vùng phát triển du lịch, nông dân vẫn lựa chọn cây chôm chôm nhằm đáp ứng yêu cầu của khách tham quan.
QUỐC TUẤN