Xây dựng thương hiệu "Yến sào Gò Công"
Một trong những giải pháp được đề cập trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch khu, vùng nuôi chim yến tập trung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh ban hành ngày 26-6-2017 nhằm khai thác lợi thế về gây nuôi chim yến và kinh doanh tổ yến trên địa bàn tỉnh là xây dựng thương hiệu “Yến sào Gò Công”, đồng thời thành lập Hiệp hội Yến sào Tiền Giang.
Nhiều nhà nuôi chim yến tại xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. |
Không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, Tiền Giang còn được xem là địa phương có quần đàn chim yến nhà lớn nhất nước, là cơ hội lớn để khai thác tổ yến.
1. Có thể khẳng định rằng, nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn Tiền Giang chỉ mới manh nha trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh. Trên địa bàn tỉnh có trên 550 nhà nuôi chim yến, tập trung ở TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, TP. Mỹ Tho và nằm rải rác ở một số địa phương khác. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất về xây nhà nuôi chim yến phải kể đến địa bàn TX. Gò Công.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Kinh tế TX. Gò Công, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, xây dựng nhà nuôi chim yến trở thành lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh nhất vào thị xã, với số lượng cao nhất tỉnh, vào khoảng 300 căn. Kết quả khảo sát thực tế và theo nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, điều khá bất ngờ là Tiền Giang có tiềm năng rất lớn đối với nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ.
Phân tích từ kết quả khảo sát, không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, Tiền Giang còn có quần đàn chim yến nhà lớn nhất nước(1) nên cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Nếu tính tại thời điểm khảo sát vào tháng 4-2015, quần thể chim yến trên địa bàn tỉnh có khoảng 272 ngàn cá thể, có thể thu hoạch khoảng 1,3 tấn tổ yến và mang lại nguồn thu trên 25 tỷ đồng.
Tất nhiên, “sức hút” xây dựng nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh vẫn chưa dừng lại do tiềm năng về hiệu quả kinh tế vẫn còn mang tính hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã xây dựng nhà nuôi chim yến lên đến hàng tỷ đồng, có nhiều trường hợp các hộ gia đình cải tạo chính căn nhà đang ở trong khu dân cư để nuôi chim yến. Báo cáo tóm tắt về “Quy hoạch khu, vùng nuôi chim yến tập trung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” cũng cho thấy, dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 364 ngàn cá thể chim yến, có thể thu hoạch khoảng 1,65 tấn tổ yến và đem lại nguồn thu khoảng 33 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2030 quần thể chim yến trên địa bàn tỉnh có thể đạt 590 ngàn cá thể, thu hoạch khoảng 2,7 tấn tổ yến và nguồn thu được khoảng 53,5 tỷ đồng.
Điều đương nhiên là một khi nhiều nhà nuôi chim yến ra đời sẽ xuất hiện nhiều cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tổ yến, đặc biệt là trên địa bàn TX. Gò Công như: Công ty TNHH Nhất Yến, Công ty Yến Vàng Gò Công, Công ty TNHH Yến Việt Gò Công… Nằm trên địa bàn có số nhà nuôi chim yến lớn nhất tỉnh, Công ty TNHH Nhất Yến (số 51, Trần Hưng Đạo, phường 2, TX. Gò Công) có nhiều lợi thế để đưa sản phẩm tổ yến đến với người tiêu dùng. Đi vào hoạt động hơn 2 năm, công ty chuyên cung cấp tổ yến thô và sơ chế cho các thị trường lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Tây Ninh. Ngoài ra, công ty hiện có 8 nhà nuôi chim yến trên địa bàn TX. Gò Công.
Bên cạnh kinh doanh tổ yến tự nuôi, công ty còn thu mua tổ từ các nhà nuôi chim yến trên địa bàn. Nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín, với quy mô lớn và kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt nên số lượng sản phẩm công ty tiêu thụ tăng đều qua các năm. Theo bà Lê Thị Hồng Điệp, Giám đốc công ty, thị trường tiêu thụ tổ yến vẫn rất tiềm năng, nhưng hiện chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý về chất lượng, giá cả để đảm bảo quyền lợi của người nuôi, người bán, người tiêu dùng. Điều này dẫn đến thực tế là người người nuôi, người người bán, khó quản lý được chất lượng, chưa kể phải cạnh tranh với tổ yến ngoại nhập.
2. Kết quả khảo sát và phân tích cũng cho thấy, các nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh được xây dựng nhiều và mang tính tự phát trong điều kiện chưa được nghiên cứu, điều tra, đánh giá về đặc điểm sinh học và điều kiện tự nhiên, xã hội và công nghệ nuôi chim yến nên hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng hiện hữu của địa phương. Thực tế cho thấy, giai đoạn phát triển nhà nuôi chim yến mạnh nhất trên địa bàn tỉnh là từ năm 2007 - 2010. Trong khi đó, điều kiện quy hoạch các khu, vùng nuôi chim yến chưa được thực hiện, môi trường sinh thái chưa được quan tâm bảo vệ nên rủi ro nghề nuôi chim yến và khu vực xung quanh rất cao. Cũng có thực trạng những nhà nuôi chim yến được xây dựng là những nhà yến kết hợp với nhà ở (chiếm đến 69%), còn nhà nuôi chim yến chuyên dụng chỉ chiếm 31%.
Nếu phân tích ở góc độ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, dù mang tính tự phát nhưng một số hộ dân, nhà đầu tư sử dụng công nghệ đầy đủ, đúng cách cũng cho hiệu quả cao. Sau khi nhà nuôi yến được xây dựng xong, đưa vào vận hành thu hút được đàn yến đến ở, có nhà số lượng yến lớn dao động từ 4.000 - 5.000 con như ở phường 1 (TX. Gò Công), xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) nên cho sản lượng tổ tương đối lớn. Tổ yến ở những ngôi nhà này cho nguồn thu ổn định và lâu dài, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi chim yến.
Tuy nhiên, cũng không ít hộ dân chưa nắm vững kỹ thuật hoặc lần đầu nuôi yến nên gặp rủi ro không nhỏ. Cụ thể nhất là chi phí đầu tư lớn, chi phí thuê chuyên gia kỹ thuật tốn kém, thời gian đầu tư kéo dài nhưng hiệu quả mang lại không cao. Bằng chứng là có hộ nuôi khoảng 3 năm nhưng số chim yến vào ở chỉ đạt từ 100 - 200 con. Nếu nhìn một cách tổng thể, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Kết quả khảo sát cho thấy chưa đến 50% số nhà nuôi chim yến đã xây dựng sau 3 năm đi vào hoạt động đạt được số chim yến tối thiểu 500 cá thể/nhà.
Công bằng mà nói, nhu cầu tiêu thụ tổ yến hiện còn rất lớn, bởi đây là loại thực phẩm thiên nhiên cao cấp có nhiều chất bổ dưỡng. Mặt khác, chất lượng tổ yến của Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn so với tổ yến của các nước trong khu vực nên giá bán cũng cao hơn. Đây chính là lợi thế của Việt Nam và dự báo trong những năm tới nước ta có thể xuất khẩu tổ yến vượt cả Malaysia.
Tuy nhiên, chỉ tính trên địa bàn Tiền Giang, tình hình nuôi chim yến trong nhà thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa kể có sự mất cân bằng giữa tốc độ tăng của nhà nuôi chim yến với tốc độ tăng bầy đàn chim yến trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số người dân chưa nắm bắt các quy định kỹ thuật, công nghệ nuôi chim yến mà tự đầu tư xây dựng không theo quy hoạch như làm nhà nuôi chim yến trong khu vực đông dân cư, làm nhà yến tại vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp, kéo theo tác động về môi trường, quản lý thú y, quản lý khu vực…
1. Kết quả khảo sát trong Đề tài cấp Nhà nước của Công ty Yến sào Khánh Hòa, tháng 5-2014.
PV