Thứ Hai, 30/10/2017, 16:08 (GMT+7)
.

Chuẩn bị xuất khẩu trái vú sữa sang Hoa Kỳ

Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Văn Hóa cho biết như vậy sau khi phía Hoa Kỳ chấp nhận cho trái vú sữa vào thị trường này. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Tiền Giang cố gắng xuất được 1 container vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ.

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) nổi tiếng trong và ngoài nước.                                                                                                                                                                                                                                                  Ảnh: NGỌC LAN
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) nổi tiếng trong và ngoài nước. Ảnh: NGỌC LAN

Trước đó, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật chính thức cho phép Việt Nam được xuất khẩu trái vú sữa sang nước này. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức Đoàn công tác (bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu trái vú sữa và Tùy viên Nông nghiệp - Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh) để khảo sát vùng trồng và đặt ra một số yêu cầu để có thể xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ vào cuối năm 2017.

Hiện tại, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng II tổ chức cuộc họp với 10 doanh nghiệp xuất khẩu trái vú sữa để thông tin về điều kiện xuất khẩu trái cây này sang Hoa Kỳ. Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với các địa phương xác định vùng trồng vú sữa, đề nghị Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng II xem xét cấp mã số. Đồng thời, Sở NN&PTNT tiến hành tập huấn cho nông dân ở các xã trồng vú sữa thuộc 2 huyện Châu Thành, Cai Lậy và TX. Cai Lậy về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây vú sữa, nhất là không sử dụng 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Hoa Kỳ cảnh báo mức dư lượng; hướng dẫn nông dân bao trái trước khi thu hoạch vú sữa khoảng 21 ngày. Sở NN&PTNT dự kiến khoảng đầu tháng 12-2017 sẽ có chuyến xuất khẩu trái vú sữa đầu tiên đi Hoa Kỳ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đơn vị này cũng đã gấp rút tập huấn, tuyên truyền Quy trình tạm thời về quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa; các biện pháp kỹ thuật sản xuất để trái vú sữa có thể thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ… Hiện Chi cục đã chọn xong mô hình thử nghiệm có quy mô 3 ha với 8 hộ tham gia tại 2 xã Vĩnh Kim và Hữu Đạo (huyện Châu Thành). Trong đó, 2 ha vườn đang bị bệnh được thí điểm cải tạo để phục hồi, 1 ha trồng mới (cây 2 năm tuổi) đang theo dõi, tác động các biện pháp để phòng bệnh. Hiện Chi cục đang tập hợp các hộ tham gia để hướng dẫn và thống nhất phương pháp thực hiện.

Đến cuối năm 2016, tỉnh Tiền Giang có 3.114 ha trồng vú sữa (giảm 800 ha so với năm 2011), tập trung ở các huyện như: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, TX. Cai Lậy, TP. Mỹ Tho…, với sản lượng 65.815 tấn. Hiện Tiền Giang có 2 giống vú sữa được trồng phổ biến là vú sữa Lò Rèn (chiếm 84,9% diện tích) và vú sữa vỏ màu nâu (khoảng 15% diện tích). Tuy nhiên, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, vấn đề canh tác và thu lợi từ cây vú sữa trở nên khó khăn do bệnh thối rễ, chết cành và khô trái thường xuyên xảy ra. Từ đó, diện tích, năng suất và chất lượng vú sữa cũng bị giảm sút nghiêm trọng.

SĨ NGUYÊN

.
.
.