Thứ Ba, 24/10/2017, 09:26 (GMT+7)
.
Đột phá để phát triển nhanh và bền vững:

Tinh thần mới với 3 nghị quyết chuyên đề

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định các khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang như hình thành các cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm; tập trung đầu tư hình thành hệ thống sản phẩm chủ lực hay đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Gần nửa chặng đường thực hiện nghị quyết, kinh tế - xã hội Tiền Giang đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.

Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền được kỳ vọng tạo ra bước đột phá về diện mạo đô thị cho TP. Mỹ Tho.
Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền được kỳ vọng tạo ra bước đột phá về diện mạo đô thị cho TP. Mỹ Tho.

Một trong những bước đi đột phá trong thời gian qua là Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết mang tính chuyên đề trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến rất lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

XÁC LẬP VỊ THẾ TỪNG VÙNG

Khâu đột phá được xác định cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với phát triển kinh tế là hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm kinh tế. Một trong những giải pháp được đưa ra để thực hiện khâu đột phá này là tỉnh xác định thế mạnh kinh tế đặc thù của từng vùng trong tỉnh theo cụm liên kết huyện, thị, thành để phát huy tiềm năng kinh tế và nguồn nhân lực sẵn có, tạo thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của mỗi vùng kinh tế trong tỉnh.

Đi vào cụ thể hóa khâu đột phá này, Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 10) đã được ban hành. Đây là nghị quyết quan trọng, được chuẩn bị công phu trước khi ban hành, với nội dung cốt lõi là xác định 3 vùng kinh tế - đô thị (Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm gồm huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho; Vùng kinh tế - đô thị phía Tây gồm huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy và huyện Tân Phước; Vùng kinh tế - đô thị phía Đông gồm huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông và TX. Gò Công).

Tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy

Trong thời gian qua, ngành Du lịch đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 08 ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch hành động 118 ngày 5-5-2017 triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy ban hành ngày 5-4-2017 về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhiều công trình, dự án liên quan đến từng vùng kinh tế - đô thị và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 11 đã được triển khai thực hiện. Chẳng hạn, đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây, tỉnh tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Cái Bè, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười… để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn phát triển du lịch của Vùng kinh tế - đô thị phía Tây và của tỉnh. Đồng thời, tỉnh phối hợp với UBND huyện Cái Bè đẩy nhanh tiến độ Dự án Công viên trái cây quốc gia; triển khai Đề án Bảo tồn và Phát huy chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025; phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) để chuẩn bị xây dựng Quy hoạch phân khu phát triển du lịch cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy; phối hợp, hỗ trợ để triển khai thực hiện Dự án Mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. Ngoài ra, ngành Du lịch còn phối hợp, hỗ trợ Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang hợp tác khai thác du lịch tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười nhằm kết nối tour du lịch với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác...

Để điều hành việc thực hiện Nghị quyết 10, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo. Chương trình hành động 188 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy (gọi tắt là Chương trình hành động 188 của UBND tỉnh) ban hành ngày 30-6-2017 cũng đã xác định rất rõ nhiệm vụ phát triển đối với từng vùng kinh tế - đô thị trên từng lĩnh vực khác nhau.

Theo đó, những quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết đã được cụ thể hóa cho các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị, thành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra. Đến ngày 14-9-2017, tất cả 11 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động 188 của UBND tỉnh; đặc biệt là các địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của cấp mình đảm bảo đồng bộ và thống nhất với Chương trình hành động 188 của UBND tỉnh.

Sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, Nghị quyết 10 đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và trong bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 10, đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây, thời gian qua tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay đã nhận cọc giải phóng mặt bằng 32/33 gói thầu (còn 1 gói Rạch Miễu - Cổ Cò); phối hợp triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 30 đi qua địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp theo hình thức Hợp đồng BOT; phối hợp để triển khai đầu tư nâng cấp các cầu hẹp trên Quốc lộ 1, gồm: Cầu Rượu, cầu Sao, cầu Rạch Miễu và cầu Bà Lâm (kinh phí dự kiến 200 tỷ đồng), thời gian đầu tư dự kiến năm 2018. Đối với các dự án do tỉnh đầu tư để phát triển vùng, liên kết vùng, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường tỉnh 878 (đến nay đạt khoảng 55% khối lượng), dự kiến hoàn thành trong năm 2018 và chuẩn bị triển khai thi công tuyến tránh đường tỉnh 868 (từ Quốc lộ 1 đến đường cao tốc) và Dự án Đường huyện 60 (đi qua TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy)...

" CÚ HÍCH " CỦA NGHỊ QUYẾT 06

Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Nghị quyết 06 ngày 27-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 06) đã được ban hành. Đây là lần đầu tiên Tỉnh ủy ban hành một nghị quyết mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển DN. Nghị quyết 06 có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 được ban hành.

Để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 06 và triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động với các nội dung trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm phát triển DN, nhất là các chương trình can thiệp phù hợp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN và hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ, tôn vinh khen thưởng doanh nhân, DN nhằm tạo động lực cho cộng đồng DN tiếp tục phát triển.

Sau thời gian triển khai thực hiện, Nghị quyết 06 đã tạo ra một luồng gió mới cho cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Cơ sở có thể chứng minh một cách rõ ràng nhất là thông qua số nộp ngân sách Nhà nước, số DN thành lập mới và số lượng DN là thành viên của Hiệp hội DN tỉnh đều tăng nhanh.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, trước hết là số tăng thu ngân sách của tỉnh năm 2016 vào khoảng 1.100 tỷ đồng và dự báo đến cuối năm 2017 số tăng thu ngân sách của 2 năm liền kề vào khoảng 2.000 tỷ đồng (trung bình mỗi năm tăng hơn 1.000 tỷ đồng). Đây là con số tăng thu ngân sách chưa từng có trong quá trình phát triển của tỉnh trước đó.Con số này nói lên công sức của nhân dân, hàm chứa sự miệt mài lao động, nỗ lực không mệt mỏi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng DN tỉnh nhà.

Thứ hai là phát triển số lượng DN mới. Cụ thể, năm 2016 số lượng DN thành lập mới là 560 DN và ước năm 2017 sẽ là 670 DN thành lập mới (bình quân có 615 DN thành lập mới mỗi năm trong 2 năm gần đây). Đây là con số phát triển DN mới chưa từng có từ trước đến nay. Chưa kể, chỉ trong một thời gian ngắn, từ số lượng thành viên Hiệp hội DN tỉnh chỉ dừng lại ở mức khoảng 200 nhưng nay đã vượt con số 500…

PHƯƠNG ANH

(Còn tiếp)

.
.
.