Thứ Năm, 26/10/2017, 08:45 (GMT+7)
.

Du lịch ĐBSCL rất cần nhà đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị “Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và các Trung tâm xúc tiến Thương mại Đầu tư và du lịch 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ ngày 25-10, ông Phạm Thế Triều, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhấn mạnh rằng dịch vụ du lịch vùng này như mảnh đất hoang đang chờ các nhà đầu tư khai phá.

Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh

Ông Phạm Thế Triều, người đồng thời là Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh An Giang, nói: “Tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL là rất lớn nhưng với sự thiếu hụt về cơ sở dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú hiện hữu, các loại hình dịch vụ này hiện nay ở ĐBSCL như mảnh đất hoang cần được khai phá để phát triển và làm giàu, rất mong các nhà đầu tư quan tâm”.

Ông Triều cho biết trong 8 năm qua, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% cả về lượng khách, lưu trú và doanh thu nhưng riêng khách lưu trú và doanh thu thì vẫn xếp thấp nhất cả nước do thiếu dịch vụ phục vụ theo nhu cầu và thị hiếu du khách. Riêng năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế; 8,5 triệu lượt khách lưu trú (có 900.000 khách quốc tế), doanh thu 15.000 tỉ đồng.

Theo ông Triều, quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt ngày 18-11-2016. Theo đó, năm 2020, ĐBSCL sẽ đón 34 triệu lượt khách, có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 25.000 tỉ đồng; đến năm 2030 đón 52 triệu lượt khách, có 6,5 triệu khách quốc tế, doanh thu 111.000 tỉ đồng. Năm 2020, vùng này cần có 53.000 phòng khách sạn và đến năm 2030 cần có 100.000 phòng, trong đó có 30% đạt chuẩn 3-5 sao.

“Nhưng hiện nay, ĐBSCL mới chỉ có khoảng 60 khách sạn 3-5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và Cần Thơ. So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có hai địa điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát - Bạc Liêu, chưa có điểm dừng chân lớn, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp và trung tâm mua sắm qui mô lớn thu hút du khách”, ông Triều nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, chuyên gia về tư vấn phát triển du lịch, phân tích thêm về hạ tầng du lịch ĐBSCL. Theo ông Huê, sân bay Cần Thơ vẫn chưa kết nối với các nước trong khu vực, trong khi sân bay Cà Mau thì vẫn đóng cửa mà khách lại rất cần bay đến Hà Nội và TPHCM. Đường bộ thì chưa có cao tốc Cần Thơ - PhnômPênh (Campuchia); đường nối Cà Mau - Rạch Giá - Hà Tiên thì không tốt. Đường thủy thì thiếu cảng sông cho du thuyền; chưa có quy hoạch khu lưu trú ban đêm cho du thuyền có phòng ngủ; cảng biển thì không có nơi đón du thuyền.

“Như vậy, để nối ĐBSCL với các nước trong khu vực, xây dựng tam giác du lịch Cần Thơ - PhnômPênh - Sài Gòn và phát triển du lịch thuyền trên sông - biển thì ĐBSCL còn phải đầu tư nhiều về giao thông vận tải”, ông Huê nói.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, xác nhận hạ tầng du lịch ĐBSCL rất yếu, cả hạ tầng kỹ thuật lẫn dịch vụ cung ứng, trong khi du lịch được hầu hết các tỉnh trong vùng đưa vào chiến lược phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn. “ĐBSCL đang thiếu điều kiện tốt và an toàn ở những điểm đến; lại có ít nơi mua sắm, giải trí để thu giá trị gia tăng trong khi ta có nhiều cảnh quan đẹp và sản phẩm đặc trưng ấn tượng. Về dịch vụ, hầu như còn tự phát vì tính dễ dãi của các địa phương. Vì thế cần hệ thống đào tạo dịch vụ đúng đắn cho ngành du lịch thì mới mong du lịch ĐBSCL thay đổi được”, ông Lam nói.

Tại hội nghị này, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước 33 dự án mời gọi đầu tư thuộc nhóm bất động sản và du lịch với tổng vốn gần 7.800 tỉ đồng và 45 dự án khác liên quan tới nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistic với tổng vốn khoảng 150.000 tỉ đồng.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.