Thứ Bảy, 14/10/2017, 15:13 (GMT+7)
.

Liên kết chuỗi mở lối ra cho tiêu thụ nông sản

Liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp (NN) là vấn đề bức thiết trong cơ chế thị trường hiện nay. Bởi sản phẩm đó muốn tồn tại, hiệu quả và bền vững thì không còn cách nào khác là phải liên kết với một đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Các chuyên gia tham quan mô hình chăn nuôi theo chuỗi của ông Nguyễn Trần Tường Bá.
Các chuyên gia tham quan mô hình chăn nuôi theo chuỗi của ông Nguyễn Trần Tường Bá.

NHỮNG CHUỖI LIÊN KẾT BỀN VỮNG   

Trong thời gian qua, ngành NN và nông dân đã đẩy mạnh liên kết các sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị lợi nhuận của người nông dân, hướng đến nền NN bền vững. Từ đó, nhiều sản phẩm NN được liên kết chặt chẽ với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi thủy sản Gò Công cho biết, HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ gà ta Gò Công, với 40 thành viên. Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu gà ta Gò Công. Từ đó, HTX đã ký hợp đồng với 14 cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ tại: Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ với các hợp đồng tiêu thụ ổn định, lâu dài như: Công ty San Hà, các nhà hàng Organic - TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, HTX còn thực hiện các dịch vụ giết mổ, dịch vụ đầu vào, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên.

HTX Dịch vụ NN Mỹ Trinh hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, với 513 thành viên được Dự án Cạnh tranh NN (ACP) hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất như: Nhà kho 1.000 tấn, nhà bao che máy sấy và thiết bị sấy 40 tấn/mẻ, máy gặt đập liên hợp. HTX đã sử dụng và phát huy hiệu quả các máy móc, thiết bị, thực hiện các dịch vụ gặt đập, sấy, trữ cho thành viên và tham gia thực hiện Cánh đồng lớn, ký hợp đồng với Công ty Lương thực Tiền Giang liên kết tiêu thụ lúa cho thành viên với diện tích 400 ha/vụ.

Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX Thanh long Mỹ Tịnh An cho biết, HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và tiêu thụ trái cây với 40 thành viên. HTX được Dự án QSEP hỗ trợ nhà sơ chế đóng gói, kho lạnh... Từ đó, HTX tổ chức cho nông dân sản xuất an toàn và đạt chứng nhận GlobalGAP, với diện tích 24 ha. Hiện HTX Thanh long Mỹ Tịnh An ký hợp đồng xuất khẩu ổn định sang Trung Quốc và một số nước châu Âu (Đức, Pháp) khoảng 300 - 400 tấn/năm.

Trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Trần Tường Bá ở ấp Bình Hòa A, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo có hơn 1.800 con heo. Đây là trang trại khép kín theo kiểu an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Bởi nguồn thịt heo trong trang trại sau khi giết mổ được đưa đến sạp thịt an toàn của gia đình cung cấp cho người tiêu dùng hay bán hủ tiếu cho khách hàng. Ngoài ra, nguồn thức ăn cho con heo cũng được ông Bá phối trộn từ các nguồn nguyên liệu, không kháng sinh hay các loại thuốc bị cấm trong chăn nuôi.

Theo Sở NN&PTNT, các sản phẩm tham gia chuỗi đều có sử dụng logo, nhãn hiệu khi lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm an toàn tỉnh Tiền Giang cũng đã cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Hóa cho rằng: “Vùng nguyên liệu rau màu của tỉnh Tiền Giang hiện có trên 50 ngàn ha, trong đó, khoảng 77 ha chuyên canh tác rau, màu được chứng nhận VietGAP và đang thực hiện thêm 60 ha. Diện tích cây ăn trái có trên 70,7 ngàn ha và đã có 589 ha được chứng nhận GAP. Diện tích nuôi thủy sản trên 15 ngàn ha, trong đó trên 67,5 ha được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC. Đàn heo gần 714 ngàn con, bò trên 123 ngàn con, gia cầm khoảng 13 triệu con. Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có 9 chuỗi được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có 7 chuỗi cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh”.

CẦN ĐA DẠNG CHUỖI LIÊN KẾT

Việc liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm NN trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng. Ngoài rau màu, thịt thì liên kết tiêu thụ lúa, gạo trong mô hình Cánh đồng lớn cũng đã tạo hiệu ứng lớn cho các sản phẩm NN khác. Theo Sở NN&PTNT, trong những năm qua, hàng chục đơn vị là doanh nghiệp, HTX đã đầu tư và tiến hành thu mua sản phẩm cho nông dân. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng thường xuyên với đại diện nông dân như: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng. Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, vụ lúa hè thu 2017, trên địa bàn tỉnh có 13 đơn vị (3 công ty, 5 DNTN, 2 HTX và 3 cơ sở, đại lý) đầu tư xây dựng 25 Cánh đồng lớn trên địa bàn 19 xã/5 huyện, thị và với diện tích khoảng 2.000 ha. Phương thức thực hiện liên kết: Phương thức 1 và 2 (có đầu tư giống, vật tư NN và mua lúa), với diện tích thực hiện trên 1.200 ha; phương thức 3 (chỉ ký hợp đồng và mua lúa) với diện tích thực hiện là 240 ha.

Ngoài ra, tại các địa phương của huyện Gò Công Tây, các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở xay xát trên địa bàn (cơ sở Hồng Đăng, cơ sở Bùi Thị Quyên Thảo, DNTN Phước Thành, DNTN Hiệp Hòa, DNTN Vinh Hiển, DNTN Hồng Thu..) liên kết theo hình thức ký biên bản ghi nhớ (thỏa thuận) vào đầu vụ và mua lúa vào cuối vụ, với diện tích 587 ha.

Trong cuộc họp gần đây, ông Cao Văn Hóa cho biết, người nông dân không thể đối thoại với doanh nghiệp trong khi bản thân  họ chỉ sản xuất một vài công đất. Do đó, phải tổ chức thành HTX, câu lạc bộ đại diện cho nông dân cùng với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng. Hình thức liên kết cũng phải đa dạng để làm sao phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển.

SĨ NGUYÊN

.
.
.