Nỗ lực đưa thịt heo "sạch" đến người tiêu dùng
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) khó quản lý như hiện nay thì việc tổ chức, nhân rộng mô hình “Kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm” là cách làm rất cần thiết. Mô hình đang được kỳ vọng sẽ cung ứng nguồn thịt heo “sạch” ra thị trường, góp phần đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng; đồng thời giúp kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả chất cấm trong chăn nuôi.
Điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm ngày càng được nhân rộng tại các chợ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. |
Mô hình “Kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm” được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho triển khai thí điểm đầu tiên trên địa bàn TP. Mỹ Tho tại sạp thịt heo Nam - Yến (chợ Thạnh Trị, phường 4) và sạp thịt Chế Phích (chợ Mỹ Tho, phường 1) vào tháng 1-2016. Đến nay, mô hình đã được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng nhân rộng ra 30 điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm tại các chợ của các địa phương trong tỉnh như: TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Chợ Gạo.
Theo các chủ điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm, từ khi triển khai bán thịt heo được kiểm soát chất cấm, sản lượng thịt heo tiêu thụ tăng khoảng 15% so với khi chưa triển khai. Thời gian bán hết thịt hằng ngày cũng sớm hơn từ 1 - 2 giờ so với trước đây và có thêm nhiều khách hàng mới đến tìm mua. Bà Yến, bán thịt heo ở sạp Nam - Yến cho biết, khi tham gia mô hình bán thịt heo không có chất cấm, sản lượng thịt bán được nhiều hay ít không quan trọng và bà cũng không nghĩ đến chuyện kéo khách đến mua mà chỉ muốn tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Cũng giống như nhiều người tiêu dùng khác, chị Lan đang chọn mua thịt heo tại sạp thịt heo Diệu (một trong các điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm tại chợ Mỹ Tho) cho biết: “Sạp thịt heo có treo bảng được kiểm soát chất cấm, thịt heo có đóng dấu kiểm dịch, sạp có bảng cam kết, thú y luôn túc trực là tôi yên tâm và đến mua thịt thường xuyên hơn so với các sạp thịt khác. Khi thịt nấu chín, tôi ăn cũng mạnh miệng hơn”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để đảm bảo nguồn thịt heo không có chất cấm tại các điểm bán, trước ngày mua, cán bộ thú y tiến hành test nước tiểu. Sau khi kiểm tra không có chất cấm, cơ quan chức năng tiến hành bấm thẻ tai hoặc đóng dấu lửa và để chủ sạp vận chuyển dưới sự giám sát của ngành Thú y về lò giết mổ đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Sau khi giết mổ xong, cán bộ thú y tiến hành kiểm tra lại một lần nữa, đóng dấu kiểm dịch rồi chủ sạp mới vận chuyển đến sạp để bán. Trong quá trình bán, các điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm sẽ được ngành Thú y cũng như Ban Quản lý các chợ đặc biệt quan tâm theo dõi để tránh tình trạng hết thịt rồi lấy thêm thịt trôi nổi bên ngoài về bán tiếp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mô hình “Kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm” được triển khai, nhân rộng đã mang lại những hiệu quả thiết thực như: Giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm thịt heo an toàn, được kiểm soát chất cấm; kết nối sản xuất với tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thịt heo an toàn. Bên cạnh đó, mô hình cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo thói quen cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP. Do đó, Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương trong tỉnh cần chú trọng triển khai thực hiện mô hình, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và sự quan tâm của cộng đồng xã hội về thực phẩm an toàn cho bữa ăn của gia đình.
PHƯƠNG NGHI