Thứ Tư, 18/10/2017, 06:43 (GMT+7)
.

Nước ngọt về đã thay đổi cuộc sống người dân

Việc kết nối từ hệ thống nước của Công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm (BOO Đồng Tâm) về các huyện phía Đông thời gian gần đây đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống và sinh kế của người dân.

Người dân huyện Tân Phú Đông vui mừng đón nhận nguồn nước BOO Đồng Tâm. 	Ảnh: N.T
Người dân huyện Tân Phú Đông vui mừng đón nhận nguồn nước BOO Đồng Tâm. Ảnh: N.T

Có thể khẳng định rằng, việc kết nối cơ bản hoàn chỉnh hệ thống nước BOO Đồng Tâm nhằm phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở các huyện phía Đông trong thời gian qua là nỗ lực rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Kể từ đây, cuộc sống của người dân ở khu vực phía Đông đã bước sang trang mới, không còn chịu cảnh thiếu nước ngọt vào mỗi mùa khô. Điều này còn mang lại ý nghĩa đặc biệt đối với người dân huyện Tân Phú Đông.

Ông Trần Thanh Sơn, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông cho biết, từ bao đời nay vùng đất này thiếu nước sinh hoạt triền miên, nhất là vào mùa khô. Đặc biệt mùa khô năm 2016, nắng hạn gay gắt, đất đai nứt nẻ, người dân nơi đây phải đổi từng thùng nước với giá lên đến 80.000 - 150.000 đồng/m3. Kể từ khi có dòng nước ngọt của BOO Đồng Tâm chuyển về, người dân ở đây rất mừng. Còn theo đánh giá của lãnh đạo huyện Tân Phú Đông, nguồn nước BOO Đồng Tâm không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn mở ra cơ hội cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Chủ trương đưa nước ngọt về các huyện phía Đông đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa ra trong nhiều năm trước, đặc biệt là trước diễn biến bất thường của thời tiết, hạn - mặn ngày càng diễn ra gay gắt. Trước tình hình như thế, UBND tỉnh kêu gọi đầu tư và BOO Đồng Tâm ra đời. Tháng 12-2011, tuyến ống chuyển tải nước từ TP. Mỹ Tho đến giao lộ Quốc lộ 50 và TX. Gò Công dài 45,7 km đã đưa vào sử dụng, đảm bảo cơ bản nguồn nước sạch thay thế nguồn nước tại chỗ của các nhà máy, các trạm cấp nước nhỏ lẻ từ huyện Chợ Gạo đến TX. Gò Công và một phần thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông). Tuy nhiên, câu chuyện đưa nước sạch về các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện phía Đông, đặc biệt là huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông lại tiếp tục được đặt ra.

Thi công đường ống dẫn nước BOO Đồng Tâm về các huyện phía Đông
Thi công đường ống dẫn nước BOO Đồng Tâm về các huyện phía Đông

Xuất phát từ thực tiễn trên, từ chủ trương chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều dự án đầu tư đường ống đấu nối sử dụng nước từ hệ thống BOO Đồng Tâm được Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang triển khai thực hiện. Đó là Dự án “Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông, giai đoạn 1” được thực hiện nhằm xây dựng, lắp đặt tuyến ống HDPE chuyển tải nước sạch có đường kính từ D400 đến D710, có tổng chiều dài hơn 22 km, với tổng mức đầu tư hơn 162 tỷ đồng. Dự án đã cung cấp nước sạch cho TX. Gò Công và thị trấn Tân Hòa, xã Bình Nghị, xã Bình Ân, xã Tân Điền, xã Tân Tây, xã Kiểng Phước, thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông); đồng thời, dự án đã đấu nối để cấp nước tại khu vực thuộc xã Tân Trung, xã Bình Đông, xã Long Hòa, xã Long Thuận  (TX. Gò Công) và xã Tân Đông, xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông).

Tạo điều kiện cho BOO Đồng Tâm hoạt động

Ngày 31-7, BOO Đồng Tâm có văn bản báo cáo tình hình sản lượng nước Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tiếp nhận nước từ BOO Đồng Tâm trong 7 tháng năm 2017 chưa đạt 50.000 m3/ngày/đêm theo như Biên bản thỏa thuận về sản lượng nước và giá nước năm 2017 ký ngày 8-2-2017 giữa Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang và BOO Đồng Tâm và Hợp đồng ký giữa UBND tỉnh và BOO Đồng Tâm vào ngày 5-11-2007 nên công ty gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng và trang trải cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Về vấn đề này, sau khi đơn giá nước mới được phê duyệt (UBND tỉnh đã xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy), Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang và BOO Đồng Tâm sẽ thỏa thuận xác định giá nước và sản lượng nước Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tiếp nhận cho phù hợp thực tế, tạo điều kiện cho BOO Đồng Tâm có nguồn để hoạt động sản xuất - kinh doanh và thanh toán các khoản nợ vay theo cam kết.

Chưa kể, dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho huyện Tân Phú Đông nhằm xây dựng, lắp đặt tuyến ống HDPE chuyển tải nước sạch có tổng chiều dài khoảng 10.630m, với đường kính D450 được đấu nối từ ống HDPE D800 đi qua 3 xã thuộc huyện Gò Công Tây, qua sông Cửa Tiểu và đấu nối với mạng lưới cấp nước huyện Tân Phú Đông, với tổng mức đầu tư hơn 68 tỷ đồng cũng được triển khai thực hiện. Ngày 11-3-2016, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tiến hành triển khai thi công tuyến ống trên đất liền OD450 HDPE có chiều dài 9.574 m và đi dọc theo đường tỉnh 877B thuộc xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông. Dự án đã hoàn thành sau 78 ngày thi công. Sau khi thực hiện hoàn thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cho rằng, công trình có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lại thi công trong thời gian ngắn nhằm giải quyết sớm nhu cầu cấp nước cho người dân cù lao là áp lực rất lớn đối với công ty. Cuối cùng, dự án cũng đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và đi vào vận hành, khai thác với công suất chuyển tải nước 11.000 m3/ngày đêm, phục vụ cho khoảng 110.000 dân trên địa bàn.

Còn theo đánh giá chung của UBND tỉnh, đối với việc mở rộng mạng lưới cấp nước cho nhân dân khu vực phía Đông, tỉnh đã đầu tư lắp đặt trên 21,7 km đường ống ở các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TX. Gò Công, với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng, góp phần đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Riêng huyện Tân Phú Đông, ngay sau Tết Nguyên đán năm 2017, tỉnh đã xây dựng xong tuyến đường ống chuyển tải cấp nước đoạn từ bến đò Tân Xuân, xã Tân Phú đến Trạm cấp nước xã Phú Thạnh để bổ cấp, hòa mạng nước ngọt từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm vượt sông Cửa Tiểu vào hệ thống nước sinh hoạt nông thôn của huyện, với chiều dài toàn tuyến trên 4,1 km xây dựng dọc theo đường tỉnh 877B, với vốn đầu tư 11 tỷ đồng từ nguồn vốn phòng, chống thiên tai năm 2017.

NHÓM PVKT

.
.
.