Trồng dừa Mã Lai cho thu nhập cao
Nhờ trồng dừa Mã Lai mà nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với ưu thế dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, ít sâu bệnh, lại cho lãi cao, dừa Mã Lai đang được nhiều nông dân lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Út vươn lên làm giàu nhờ trồng dừa Mã Lai. |
Ông Nguyễn Văn Hai, xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo cho biết: “Trồng dừa Mã Lai sau 2 năm là cho thu hoạch, ít sâu bệnh. Đặc biệt, trồng dừa Mã Lai không tốn nhiều công thu hoạch như trồng lúa”. Ông Hai cho biết thêm, chỉ cần tuân thủ các quy tắc trong bón phân là dừa có thể cho năng suất trái cao.
Còn ông Nguyễn Văn Út, ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho cho biết: “Trước đây, tôi trồng lúa và nhãn cho hiệu quả kinh tế không cao, giá cả lại bấp bênh. Sau đó, tôi nhận thấy giống dừa Mã Lai dễ trồng, giá lại ổn định nên quyết định chuyển sang trồng giống dừa này. Từ khi chuyển sang trồng dừa Mã Lai, kinh tế gia đình tôi được cải thiện đáng kể”. Ông Út cho biết thêm, dừa Mã Lai cho thu hoạch quanh năm. Với mật độ trồng 40 cây trên 1.000 m2, năm 2016, 5.000 m2 đất trồng dừa Mã Lai của ông cho lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Chính hiệu quả kinh tế cao từ giống dừa này mang lại mà đến nay phong trào trồng dừa Mã Lai phát triển rộng khắp xã Tân Mỹ Chánh. Ông Phạm Minh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ Chánh cho biết: “Thời gian qua, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu nhờ trồng dừa Mã Lai, trong đó xuất hiện những gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Nguyễn Văn Út, Nguyễn Văn Hùng, chị Trần Thanh Hà... Đến nay, dừa Mã Lai và bưởi da xanh đã trở thành 2 cây trồng chủ lực ở xã Tân Mỹ Chánh”. Còn theo số liệu của cơ quan chức năng TP. Mỹ Tho, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 100 ha trồng dừa Mã Lai, tập trung ở xã Tân Mỹ Chánh.
TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành là 2 địa phương phát triển đầu tiên giống dừa Mã Lai. Đến nay, phong trào trồng dừa Mã Lai phát triển rộng khắp nhiều địa phương. Cụ thể, hiện nay huyện Chợ Gạo có diện tích trồng dừa Mã Lai lớn nhất trong tỉnh với khoảng 5.000 ha, kế đến là huyện Tân Phú Đông 3.000 ha, huyện Châu Thành 2.000 ha...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trương Văn Cho, cho biết: “Dừa Mã Lai có nhiều ưu điểm như vỏ mỏng, gáo to, nước ngọt thơm. Ngoài bán trái dừa, các bộ phận khác của cây dừa cũng có thể tạo thu nhập thêm cho người dân, như: Gáo dừa dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, que dừa dùng để bó chổi. Những năm qua, dừa Mã Lai có giá ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều nông dân lựa chọn trồng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 14.000 ha trồng dừa Mã Lai”.
Nhiều nhà vườn trồng dừa Mã Lai cho biết, giá dừa chỉ cần ở mức thấp 50.000 đồng/chục (12 trái) thì người trồng dừa đã có lãi. Đặc biệt hơn, dừa Mã Lai đang được xem là một trong những cây trồng chuyển đổi phù hợp trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
QUỐC TUẤN