"Từ khóa" của Thủ tướng cho tương lai Đồng bằng sông Cửu Long
“Thuận thiên” - hai chữ vàng trên thanh gươm huyền thoại của người anh hùng dân tộc Lê Lợi có lẽ đã gợi mở cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để ông khái quát quan điểm, giải pháp phát triển bền vững cho ĐBSCL trước những thách thức khắc nghiệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL đã khép lại, nhưng dư âm và đặc biệt là những kết quả của Hội nghị sẽ còn tác động rất lâu dài tới vùng đất đầy tiềm năng này và cả với cách thức chúng ta ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước.
Phát biểu tổng kết sau hai ngày làm việc của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh những thách thức lớn đối với ĐBSCL. Đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng; việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ; các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã xác định hàng loạt quan điểm, giải pháp, mà đặc điểm nổi bật, bao trùm là phải “thuận thiên”. Cụ thể là, “phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế”.
Thực tế diễn ra cho thấy cách tiếp cận, cách tư duy trước đây về phát triển bền vững ĐBSCL đã tỏ ra bất cập. Chẳng hạn, như Thủ tướng đã chỉ ra, theo cách tiếp cận hiện nay thì chiều dài đê bao ĐBSCL sẽ lên trên 57.000 km!
Thời gian tới, mực nước nội đồng sẽ tiếp tục gia tăng. Đất đồng bằng tiếp tục lún sụt, lũ tiếp tục tăng thêm. Mực nước biển tiếp tục dâng thêm. Hiệu ứng Domino về đê bao tất yếu sẽ xảy ra và sẽ tiếp tục theo chiều hướng bất lợi và trong vòng luẩn quẩn không ngừng. Do đó, cần giải quyết vấn đề “vạn lý đường đê” một cách biện chứng khoa học và khôn ngoan nhất.
“Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Một lần nữa chúng ta nêu lại quan điểm phải chủ động sống chung với lũ, với mặn, với thiếu nước. Và chúng ta coi nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên”, Thủ tướng nêu rõ.
Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy phát triển, đề ra các giải pháp theo hướng thích ứng với thiên thiên cũng là yêu cầu không dễ dàng. Bởi vùng đồng bằng này vẫn đang trong quá trình vận động mới, nghĩa là mọi thứ vẫn đang liên tục biến động.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, vùng đồng bằng trù phú nhất Việt Nam chịu “tổn thương” từ 3 tác động: Biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế sử dụng nước ở phía thượng nguồn làm thay đổi quy luật dòng chảy sông Mekong và những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng đồng bằng.
‘Ba nhóm nguyên nhân chính đó cùng lúc tác động và với sự nhào trộn, cộng hưởng tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo vùng đồng bằng châu thổ mà chúng ta phải chấp nhận đối mặt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Không chỉ có vậy, theo Bộ trưởng, những biến động này đang ngày càng diễn biến gay gắt hơn, khó đoán định và đặc biệt, còn rất lâu mới đạt đến đến trạng thái cân bằng tương đối. Điều này đòi hỏi chúng ta một ý thức thường trực về tình trạng đang vận động, luôn “dở dang”, chưa hoàn bị, “chưa xong xuôi” của thực tiễn vùng đất này. Do đó, rất khó, nếu không muốn nói là không thể, chốt lại một cách cứng nhắc các giải pháp.
Thủ tướng đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nhưng sự chủ động “tự cứu mình” ấy phải tuân theo những quy luật của tự nhiên, trên cơ sở nhận thức rõ ràng những quy luật ấy. Nói gọn lại, là phải “thuận thiên”, "tùy cơ ứng biến".
Sẽ không có một “đáp án” cuối cùng hay duy nhất cho những vấn đề đặt ra với vùng châu thổ trù phú này. Nhưng có thể khẳng định rằng với quyết tâm, tầm nhìn, sự bình tĩnh, chủ động, sáng tạo, cầu thị, lắng nghe nhiều phía, chúng ta có thể tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, vượt qua thách thức để ĐBSCL có một tương lai lạc quan.
Thống nhất quyết tâm, tạo đồng thuận, xác định rõ tất cả thách thức mang tính sống còn, đưa ra tầm nhìn dài hạn, xác quyết quan điểm định hình chuyển đổi mô hình phát triển và các nhóm giải pháp cấp bách, chiến lược lâu dài, kêu gọi các nguồn lực vật chất và trí tuệ cho ĐBSCL, đó là mục tiêu và cũng là kết quả quan trọng của Hội nghị được Chính phủ, Thủ tướng dành rất nhiều tâm huyết.
Theo chinhphu.vn