.

"Xốc" vào hạ tầng du lịch

Cập nhật: 14:49, 21/10/2017 (GMT+7)

Thay đổi hình ảnh du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế hiện hữu, nhất là đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch, gắn kết với khu vực là mục tiêu được ngành Du lịch tập trung thực hiện trong thời gian gần đây; đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được ban hành.

Khai thác du lịch sinh thái ở huyện Tân Phước. 	Ảnh: TUẤN LÂM
Khai thác du lịch sinh thái ở huyện Tân Phước. Ảnh: TUẤN LÂM

Tiền Giang nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là nơi hội tụ của ba vùng sinh thái (vùng sinh thái nước ngọt phù sa, sinh thái rừng ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn Đồng Tháp Mười); cùng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây được xem là các yếu tố thuận lợi cơ bản để khai thác và phát triển du lịch của Tiền Giang.

Chưa kể, xét trong bức tranh chung của khu vực, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch Thới Sơn đã được quy hoạch thành 1 trong 5 khu du lịch quốc gia và TP. Mỹ Tho là Trung tâm du lịch phía Đông của vùng ĐBSCL. Trên bình diện tổng thể, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy ra đời đáp ứng được nhu cầu mang tính cấp bách nhằm khai thác đúng tiềm năng, lợi thế và đặc biệt là đáp ứng được mục tiêu đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Tát mương bắt cá thu hút nhiều du khách.
Tát mương bắt cá thu hút nhiều du khách.

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện của từng giai đoạn, thời gian qua ngành Du lịch đã tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa ven đường, lắp đặt đèn chiếu sáng nghệ thuật… trên cù lao Thới Sơn; đồng thời nghiên cứu lập Đề án đưa nhà Bạch Công Tử vào khai thác du lịch nhằm đa dạng hóa tour, tuyến du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

Ngành Du lịch cũng phối hợp với Trại rắn Đồng Tâm xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động tuyên truyền quảng bá, kết nối tour, tuyến, xây dựng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch còn hỗ trợ UBND huyện Cái Bè xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát huy chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch Cái Bè; tổ chức Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần III năm 2017.

Chưa kể, ngành Du lịch còn hỗ trợ nhà đầu tư Hàn Quốc trong việc đẩy nhanh tiến độ lập và triển khai dự án Khu đón tiếp đường bộ cù lao Thới Sơn; tập trung công tác lập quy hoạch Khu di tích quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút - Trại rắn Đồng Tâm - Chùa Vĩnh Tràng.

Song song đó là việc tỉnh phối hợp với tỉnh Bến Tre lập quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia cù lao Thới Sơn (cụm Long - Lân - Quy - Phụng); xây dựng Đề án Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Tiền Giang; hợp tác khai thác du lịch tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, nhằm kết nối tour với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác; xây dựng đề cương quy hoạch phân khu phát triển du lịch cù lao Tân Phong; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang xây dựng kè chống sạt lở Khu du lịch biển Tân Thành; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, kết nối tour, tuyến du lịch góp phần thực hiện thành công Đề án Phát triển du lịch TX. Gò Công giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; nghiên cứu lập quy hoạch phân khu du lịch cồn Ngang, thuộc huyện Tân Phú Đông, hiện đang chờ ý kiến của Bộ Quốc phòng và hỗ trợ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án Khu du lịch sinh thái Lũy Pháo Đài - Tân Phú Đông…

P. A

.
.
.