Chủ Nhật, 19/11/2017, 09:57 (GMT+7)
.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Doanh nghiệp là "chìa khóa" thành công

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: Để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền thì sự năng động, đổi mới sáng tạo và chủ động tham gia vào tiến trình này của cộng đồng doanh nghiệp chính là chìa khoá thành công.

Theo ông Lê Văn Hưởng: Năm 1995, Tỉnh Tiền Giang chỉ có khoảng 165 doanh nghiệp, thu ngân sách của tỉnh lúc đó mới đạt 578 tỷ đồng. Sau hơn 20 năm, đến nay, tỉnh đã có hơn 4.300 DN đang hoạt động, cùng với hơn 65 ngàn hộ kinh doanh, thu ngân sách đến cuối năm 2017 ước đạt hơn 7.500 tỷ đồng.

a
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (bìa phải) thăm và làm việc tại Công ty CP may Công Tiến.

- Khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn nhất trong số này, thưa ông?
Khu vực DN tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, chiếm đại đa số trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với sự năng động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khu vực tư nhân tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới, đóng góp đa số trong thu ngân sách góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng khá cao trong những năm gần đây, đứng vào tốp 3 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực ĐBSCL.

- Điều gì đã thể hiện sự nỗ lực của Tiền Giang trong việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, thưa ông?
Trước hết, nó được thể hiện qua thu ngân sách của tỉnh. Năm 2016, thu ngân sách cao hơn năm trước khoảng 1.100 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2017 cao hơn năm 2016 khoảng 860 tỷ đồng, như vậy trung bình mỗi năm tăng gần 1.000 tỷ đồng. Đây là con số tăng thu ngân sách hàng năm cao nhất trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ hai, là sự phát triển doanh nghiệp cả về lượng và từng bước nâng lên về chất. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới là 560 doanh nghiệp, ước thực hiện năm 2017 có 670 doanh nghiệp thành lập mới, bình quân mỗi năm có 615 doanh nghiệp thành lập mới. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh đã cho thấy môi trường kinh doanh thuận lợi và sự lớn lên bức phá của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba là sự phát triển của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về lượng và về chất cũng bắt đầu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Trong năm 2017, đã phát triển được 255 hội viên. Như vậy, chỉ tính riêng số lượng hội viên tăng của năm 2017, đã cao hơn số lượng hội viên đã có từ trước cho đến cuối năm 2016, đặc biệt là 11/11 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều đã thành lập Hội hoặc Chi hội doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

9 tháng năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới của Tiền Giang là 504 doanh nghiệp,nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khoảng 4.307 doanh nghiệp.
Về phương thức vận động của cán bộ Hiệp hội đến mô hình tổ chức hoạt động từ tỉnh đến cấp huyện và doanh nghiệp cũng như hình thức, phương pháp hoạt động bước đầu có đổi mới, đã cho thấy Hiệp hội từng bước thể hiện được vai trò của mình là cầu nối của cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, thực sự chăm lo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nên đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và dần dần thấy được sự cần thiết về Hiệp hội trong hoạt động của doanh nghiệp.

Đạt được 3 kết quả trên cũng chính là tinh thần, là kết quả bước đầu việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ và minh chứng về sự cần thiết của Nghị quyết 06/NQ-TU của Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo nâng cao công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đã thực sự đi vào cuộc sống mà cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp.

- Trong thời gian tới, UBND tỉnh có chính sách gì để thúc đẩy nhanh và hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã đề ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thưa ông?
Một trong những nội dung cốt lõi là tỉnh tập trung thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện liên thông trong việc xử lý các thủ tục đầu tư, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư. Điều đặc biệt là UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai hoạt động Trung tâm phát triển và hỗ trợ DN Tiền Giang đạt chất lượng; thành lập Hội đồng hỗ trợ khởi nghiệp, các Câu lạc bộ khởi nghiệp, thành lập Qũy Hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp…

Bằng nhiều hình thức thu thập các kiến nghị của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thông qua các kênh như: phát thanh, truyền hình, báo chí, trên các cổng thông tin điện tử, gửi trực tiếp đến doanh nghiệp…đã tổng hợp được các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thông qua các buổi đối thoại, tiếp xúc của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp đã tạo ra luồng gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần đổi mới thực chất, tất cả các kiến nghị của các doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp, hay chỉ đạo các sở, ban, ngành giải quyết ngay hoặc quy định cụ thể thởi gian giải quyết, báo cáo tiến độ kết quả giải quyết cho UBND tỉnh và thông tin đến doanh nghiệp. Năm 2018, sẽ tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung và nâng cao chất lượng các buổi đối thoại doanh nghiệp, hộ kinh doanh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm đảm bảo không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra định kỳ quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ để xử lý tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra kể cả đối với Liên đoàn Lao động, các cơ quan Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh…tất cả phải gửi kế hoạch về UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo hoặc phối hợp xử lý.
Lãnh đạo các cấp tăng cường hơn nữa đi thăm doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có khó khăn để kịp thời giúp tháo gỡ nhưng không làm ảnh hưởng đến thời gian, hoạt động của doanh nghiệp.

- Ông đã từng nói: “Cộng đồng doanh nghiệp chính là chủ thể chính của tiến trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, tuy nhiên, để khẳng định được tiếng nói của “chủ thể”, vai trò Hiệp hội cần được “cải thiện” hơn?
Đúng như vậy. Trước hết, Hiệp hội Doanh nghiệp phải tiếp tục có nhiều giải pháp để nâng cao vai trò của chính mình, nghiên cứu, đổi mới hình thức sinh hoạt, thu thập, cung cấp được nhiều thông tin cần thiết, bổ ích cho doanh nghiệp cũng như tham vấn giúp cho các cấp chính quyền để thực sự thể hiện được tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Là người từng có nhiều năm công tác ở doanh nghiệp, tôi thấu hiểu được những gian khó, sự cạnh tranh khốc liệt, khó đoán định của thương trường. Tôi cảm nhận được tố chất kinh doanh mà doanh nhân cần có, sự lao động miệt mài, năng động và sáng tạo, những người dám chấp nhận rủi ro, luôn tiên phong trong việc tiếp cận, áp dụng phương pháp quản trị mới, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và không ngừng xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội.

Tôi cho rằng cùng với nỗ lực, quyết tâm hành động của chính quyền, sự năng động sáng tạo, đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là chìa khoá thúc đẩy tiến trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả và thành công.
 

- Xin cảm ơn ông.

Theo enternews.vn


 

.
.
.