Đòi hỏi quá đáng của doanh nghiệp và nỗ lực của Tiền Giang.
Tiền Giang có trên 4.000 doanh nghiệp, qua vụ việc Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến nông, thủy sản xuất khẩu Thuận Phong yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang giao đất xây nhà ở cho công nhân, nhiều doanh nghiệp phản ứng về sự đòi hỏi quá đáng của ông Phạm Văn Tứ. Các doanh nghiệp cho rằng nếu tỉnh thỏa mãn yêu sách của công ty Thuận Phong là không công bằng.
Có hai nhà đầu tư đăng ký thì phải đấu thầu
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, xung quanh việc Công ty Thuận Phong yêu cầu tỉnh Tiền Giang "chia lại" đất xây nhà ở cho công nhân.
Theo Bộ Xây dựng, thì việc lựa chọn nhà đầu tư để giao đất, cho thuê đất xây dựng nhà ở xã hội phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về nhà ở có liên quan. Cụ thể: Theo điểm a khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 thì đối với nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách thì cơ quan quản lý cấp tỉnh (Sở Xây dựng) báo cáo UBND cấp tỉnh lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký, hoặc chỉ định thầu nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư.
Lãnh đạo Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh Tiền Giang cho rằng: Năm 2017 Hiệp Hội Doanh nghiệp Tiền Giang đã bầu ra BCH Hiệp Hội mới, thu hút số lượng đông hội viên, hoạt động đồng bộ.Và sau đó Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang cũng được thành lập, đã tập hợp số đông các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng chân trên đất Tiền Giang, giải quyết hàng chục ngàn lao động, góp phần làm tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà Nước. Các doanh nghiệp Tiền Giang phấn khởi bởi thường xuyên được dự đối thoại với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, kịp thời giải quyết những khó khăn thắc mắc của doanh nghiệp. Hiện nay để có mặt bằng các doanh nghiệp phải đi mua với giá rất cao để mở rộng sản xuất hay xây nhà trọ cho công nhân. Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh Tiền Giang dự kiến tìm 1 đến 2 ha đất để mời chủ đầu tư về sản xuất rau sạch phục vụ nhân dân Tiền Giang mà tìm mãi chưa ra. Trong lúc đó UBND tỉnh Tiền Giang quá ưu ái với Công ty Thuận Phong, được UBND tỉnh chỉ 1,1 ha đất và hướng dẫn, yêu cầu công ty làm các thủ tục theo quy định của Nhà nước để UBND tỉnh xem xét thì công ty không chịu nhận mà đòi phải giao đủ 1,949 ha; như vậy là không công bằng. Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh Tiền Giang đề nghị UBND tỉnh nên xem xét giao cho công ty, doanh nghiệp nào thật sự cần thiết để có mặt bằng kinh doanh sản xuất. Vì hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có chủ trương và được UBND tỉnh sẵn sàng giao đất để cất gần 1.000 căn hộ cho công nhân trả góp giá rẻ, trong đó có công nhân của Công ty Thuận Phong. |
Trong khi theo UBND tỉnh Tiền Giang thì trên địa bàn tỉnh không chỉ có Công ty Thuận Phong mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng có nhu cầu đăng ký đầu tư nhà ở xã hội; nếu UBND tỉnh Tiền Giang giao đất cho Công ty Thuận Phong không qua đấu thầu là không công bằng và trái với quy định của pháp luật.
Còn theo quy định tại Nghị định 100 ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (khoản 1, khoản 2 Điều 4) thì đối với đô thị từ loại 3 trở lên, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, diện tích đất của từng dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở. Chủ đầu tư dự án phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo qui định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan (khoản 4 Điều 8).
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Tiền Giang thì Công ty Thuận Phong mới chỉ có văn bản xin giao đất, nhưng chưa thực hiện thủ tục xin chấp nhận, quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật, nên UBND tỉnh chưa có cơ sở để giao đất cho Công ty Thuận Phong.
Khu đất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xây gần 1.000 căn hộ cho công nhân thuê trong Khu dân cư Trung An. Ảnh: TL |
Nỗ lực của tỉnh Tiền Giang
Trong Công văn 2837 ngày 22-6-2017 của UBND tỉnh Tiền Giang gởi Văn phòng Chính phủ liên quan đến “tâm thư” của Giám đốc công ty Thuận Phong Phạm Văn Tứ yêu cầu tỉnh giao đất xây nhà ở công nhân, nêu rõ:
Tiền Giang có trên 4.000 doanh nghiệp, qua vụ việc này nhiều doanh nghiệp phản ứng gay gắt về sự đòi hỏi qua đáng của ông Phạm Văn Tứ.; nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu tỉnh thỏa mãn yêu sách của Công ty Thuận Phong sẽ không công bằng, bởi trước đó có nhiều doanh nghiệp như Công ty Vạn Đức Tiền Giang, Công ty CP Gò Đàng, Công ty CP Hùng Vương, Công ty TNHH Long Uyên...đã tự bỏ kinh phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở cho công nhân của công ty mình. Một số doanh nghiệp yêu cầu, nếu giao đất cho công ty Thuận Phong, thì họ cũng phải được giao tương tự; trong khi quỹ đất công của tỉnh hạn chế, không thể thỏa mãn hết nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhà ở cho công nhân của Công ty Vạn Đức Tiền Giang . Ảnh:Tuấn Lâm |
Trên địa bàn Tiền Giang, nhà ở xã hội đã khai thác sử dụng gồm: Dự án nhà ở xã hội KCN Tân Hương với quy mô hơn 6 ha, diện tich sàn 205.395 m2, tổng số căn hộ là 3.057 ( 34-68 m2/căn), đáp ứng nhu cầu cho 11.500 công nhân KCN Tân Hương và các khu lân cận. Ngoài ra Khu thiết chế của công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư tại Khu dân cư Trung An dự kiến sẽ khởi công trong quý 1-2018. |
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung, quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện cho phép; tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn để UBND tỉnh làm cơ sở giải quyết các trường hợp doanh gnhiệp đề nghị giao đất xây nhà cho công nhân của công ty mình, mà cụ thể là trường hợp Công ty Thuận Phong.
Trên cơ sở ý kiến, hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các sở chuyên môn có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu được giao đất để xây nhà ở cho công nhân thực hiện thủ tục, hồ sơ theo quy định, làm cơ sở cho việc xem xét.
Và cũng trong quá trình giải quyết xây nhà ở cho công nhân, ngày 4-4-2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Công văn 450 đề nghị Tiền Giang giao thêm 1 ha để xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN. Như vậy tổng diện tích để xây dựng theo Đề án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 3 ha, với tổng mức đầu tư là 310 tỷ đồng, gồm các hạng mục nhà ở, nhà trẻ, siêu thị công đoàn, các công trình văn hóa, thể thao….và 17 block nhà với 952 căn, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 4.088 công nhân, công đoàn viên.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch 3 ha đất nhà ở thương mại trong dự án Khu dân cư Trung An sang đất thực hiện đề án xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN theo Quyết định số 665 của Thủ tướng Chính phủ. Phần 3,11 ha đã quy hoạch xây nhà ở xã hội vẫn được giữ nguyên đề giải quyết cho các doanh nghiệp có nhu cầu xây nhà cho công nhân hay nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, tổng diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế công đoàn phục vụ công nhân tại Khu dân cư Trung An là 6,156 ha, chiếm tỷ lệ 28,8% diện tích toàn khu dân cư Trung An.
Nhà ở cho công nhân của Công ty CP Hùng Vương- ảnh: TL |
Ngoài ra, với sự kêu gọi đầu tư của tỉnh, hiện Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đang triển khai xây dựng 2.792 căn trên diện tích 6 ha (KCN Tân Hương) nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở cho công nhân lao động.
Như vậy, qua quá trình giải quyết và những nỗ lực của Tiền Giang như đã trình bày ở trên, cho thấy: “tâm thư” của ông Phạm Văn Tứ nêu rằng tỉnh Tiền Giang chỉ chú trọng đến các dự án nhà ở thương mại hay UBND tỉnh đi ngược lại quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân, có phải là hành động phản bội giai cấp công nhân hay không? là mang tính chủ quan, phiến diện, có ý đồ tạo ra dư luận xấu, sai lệch, thiếu khách quan và không đúng với những chủ trương và giải pháp quyết liệt của tỉnh trong việc chăm lo cho đời sống của người lao động, người có thu nhập thấp, cũng như trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang triển khai thực hiện.
SƠN PHẠM