Giá heo hơi thấp, thịt bán tràn lan
Giá heo liên tục ở mức thấp, một bộ phận người chăn nuôi không muốn tiếp tục chịu lỗ nặng đã “tự cứu mình” bằng cách giết mổ heo đem bán ven đường. Một số người đã lợi dụng giá rẻ mua heo không rõ nguồn gốc, heo không có sự kiểm soát của cơ quan Thú y để bán kiếm lời.
Giết mổ heo bán lẻ để giảm bớt khó khăn nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: SĨ NGUYÊN |
GIÁ HEO ĐANG THẤP
Người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục khốn đốn vì giá heo ở mức thấp kéo dài. Theo ghi nhận, vào tháng trước giá heo hơi có lúc trên 30.000 đồng/kg. Thế nhưng, sau vụ gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á (TP. Hồ Chí Minh), giá heo giảm xuống còn 26.000 - 28.000 đồng/kg do người tiêu dùng cảnh giác với thịt heo. Với giá này, người nuôi heo lỗ bình quân trên 600.000 đồng/tạ.
Ông Nguyễn Văn Minh, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy vừa bán 3 con heo với giá 2,5 triệu đồng/tạ cho biết, đây là mức giá đối với heo đẹp, còn heo xấu chỉ ở mức khoảng 2,3 - 2,4 triệu đồng/tạ, bằng với mức thấp kỷ lục hồi đầu năm. Sau khi có thông tin heo bị tiêm thuốc an thần, giá heo đã giảm nhanh, từ hơn 3 triệu đồng/tạ xuống còn 2,5 - 2,6 triệu đồng/tạ. Những hộ nuôi heo số lượng lớn thì bán được giá hơn, khoảng 2,7 - 2,8 triệu đồng/tạ. Tuy giá heo thấp nhưng người nuôi cũng không dễ bán được heo, một phần do các thương lái dựa vào lý do khó tiêu thụ để ép giá. Gần đó, bà Nguyễn Thị Bảy nuôi 14 con heo thịt cho biết, 7 con heo thịt đã đến ngày xuất chuồng nhưng thương lái đến xem chê heo xấu rồi bỏ đi; một số khác nói giá heo đang giảm mạnh, đầu ra không có nên bảo bà chờ. Không còn khả năng cầm cự, bà đành chấp nhận bán với giá 2,3 triệu đồng/tạ, tính ra mỗi con lỗ trên 1 triệu đồng.
Bà Bảy cho biết thêm, bán hết số heo này bà sẽ “treo” chuồng chờ giá ổn định mới tính chuyện tái đàn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thương lái mua heo từ các trang trại nhỏ lẻ với giá rất thấp; còn heo từ các trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn thì bán được giá khá hơn. Ông Nguyễn Trần Tường Bá, ấp Bình Hòa A, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo nuôi hơn 1.800 con heo cho biết, hiện thương lái vào thu mua heo với giá 2,8 - 3 triệu đồng/tạ, giảm trên 200.000 đồng/tạ so với trước đây. Nguyên nhân heo giảm giá là do tâm lý bất an của người tiêu dùng sau vụ tiêm thuốc an thần cho heo ở TP. Hồ Chí Minh. Sau vụ này, các trang trại chăn nuôi heo an toàn cũng bị vạ lây.
Người chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn vì giá heo ở mức thấp. |
VẪN BÀY BÁN THỊT TRÀN LAN
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có Công văn gửi UBND các huyện, thị, thành về việc chấn chỉnh hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt heo. Theo công văn này, tình hình chăn nuôi heo của tỉnh gặp nhiều khó khăn do giá heo hơi giảm thấp so với giá thành sản xuất. Trên địa bàn tỉnh đã có một số tổ chức, người chăn nuôi trực tiếp giết mổ và mở các quầy, sạp bán thịt heo tại các chợ, trong các khu công nghiệp, tại các địa bàn dân cư trên toàn tỉnh nhằm giải quyết lượng heo tồn đọng. Với cách làm này, người chăn nuôi có thể bán được sản phẩm với giá tốt hơn. Tuy nhiên, hoạt động này đang phát sinh vấn đề bất cập là đa số heo không được giết mổ tại các sơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của cơ quan Thú y, lại bày bán không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng các quy định về giết mổ và kinh doanh sản phẩm thịt heo như: Giết mổ heo tại những nơi quy định, có kiểm soát của cơ quan Thú y, thịt heo phải được bày bán trên bàn, kệ đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; tuyệt đối không được bày bán sản phẩm thịt dưới nền… Tuy nhiên, nhiều ngày qua, nhiều điểm bán thịt heo “mọc” lên dọc bên đường Nguyễn Trung Trực thuộc xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho); Quốc lộ 50 thuộc xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), xã Song Bình, Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo). Có nơi bày bán thịt heo dưới nền xi măng. Đó là chưa nói đến chất lượng thịt heo của các sạp này vẫn còn là dấu hỏi.
Nói về công tác kiểm tra, xử lý các sạp bán thịt heo dọc bên đường, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) Trương Anh Tuấn cho biết rất khó xử lý. Bởi xã chỉ có chức năng xử lý các điểm bán vi phạm hành lang an toàn, nhắc nhở khi họ bày bán thịt dưới nền đất, còn việc xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc các cơ quan chuyên môn.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Mến cho biết, việc bán thịt heo trái phép, dọc theo các tuyến đường thuộc trách nhiệm của địa phương. Ngành Nông nghiệp đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu phải chấn chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, trước việc giá heo giảm sâu, người nuôi và một bộ phận người dân muốn sinh lợi trong dịp này đã mổ heo rồi đem bán dọc bên đường. Tuy nhiên, các điểm bán buổi sáng thường thì có dấu kiểm dịch, còn đa số thịt heo bán buổi chiều đều từ giết mổ lậu. “Việc xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những sạp thịt này cũng rất khó do cơ quan Chăn nuôi và Thú y không đủ nhân sự. Việc kiểm tra chất lượng thịt có an toàn hay không cũng rất phức tạp.
Nếu lấy mẫu thịt của các sạp này gửi đi xét nghiệm phải mất một thời gian, lượng thịt heo phải được niêm phong, trong khi chúng ta chưa có tủ đông. Sau khi có kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng phải tính đến việc hậu xử lý?”- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Mến nói.
Giá heo giảm sâu, đầu ra khó khăn, việc người dân “tự giải cứu” bằng cách giết mổ heo để bán lẻ nhằm giảm bớt khó khăn là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được đặt ra đối với những điểm bán này; bởi đa số các điểm bán thịt heo trên đều không được cơ quan Thú y kiểm soát, chất lượng thịt cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.
SĨ NGUYÊN