Mô hình tôm-lúa ở xã Phú Tân
Xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông) hiện có 2.416 ha nuôi thủy sản, trong đó có 400 ha nuôi tôm công nghiệp và 2.016 ha nuôi tôm quảng canh. Để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản, thời gian qua xã Phú Tân đã tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm. Hằng năm, xã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho người nuôi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Lưới điện; cầu, đường giao thông; hệ thống kinh, mương tạo thuận lợi cho việc nuôi cũng như thu hoạch thủy sản của người dân.
Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, môi trường không thuận lợi và dịch bệnh đã gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm. Nguyên nhân là do nguồn tôm giống chưa bảo đảm, ý thức cộng đồng tại các vùng nuôi còn hạn chế, không xử lý mầm bệnh trước khi xả nước ra môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến vùng nuôi lân cận. Để phát triển bền vững phong trào nuôi tôm cũng như bảo vệ môi trường trên địa bàn, xã Phú Tân đã vận động người nuôi tận dụng khả năng và điều kiện sẵn có để phát triển mô hình tôm - lúa. Năm 2010, mô hình tôm - lúa đã được người dân trong xã bắt tay vào áp dụng.
Các giống lúa được sử dụng là giống lúa ngắn ngày, thích nghi với thổ nhưỡng vùng cù lao. Kết quả, mô hình đã giúp tăng năng suất lúa, giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình bình quân đạt từ 5 đến 6 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi trên 10 triệu đồng/ha/vụ. Không chỉ vậy, mô hình còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế lây lan mầm bệnh trong nuôi tôm. Không dừng lại ở đó, hiện nay nhiều hộ dân còn biết hoán đổi giống tôm nuôi trong mỗi vụ (tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng) để vừa thích nghi với môi trường nước, vừa đề phòng dịch bệnh trên tôm. Hiệu quả của mô hình được chứng minh qua diện tích sản xuất theo mô hình tôm - lúa không ngừng mở rộng trong thời gian qua. Theo thống kê, nếu năm 2012, toàn xã có 200 ha mô hình tôm - lúa ở các ấp Phú Hữu, Bà Từ và Pháo Đài thì đến năm 2017 số diện tích áp dụng mô hình này tăng lên 526 ha với hơn 200 hộ dân tham gia. Trong đó, xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi từ mô hình này với thu nhập từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm.
Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập sâu, môi trường nuôi có lúc không bảo đảm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên tôm cao, để củng cố và phát triển mô hình này, xã Phú Tân đã thành lập Tổ hợp tác nông - thủy sản để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng giống lúa, tìm đầu ra cho sản phẩm...; thành lập 11 Tổ quản lý cộng đồng nhằm tăng cường công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh trên tôm (trong đó có mô hình tôm - lúa). Cùng với đó, xã Phú Tân đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển mô hình tôm - lúa như kết hợp với Công ty Phân bón Sinh Thành (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học và tổ chức điểm trình diễn mô hình tôm - lúa trên địa bàn xã liên tục từ từ năm 2012 đến 2014. Tiếp đó, năm 2015 và 2016, Trường Đại học Tiền Giang phối hợp với UBND xã Phú Tân thực hiện điểm trình diễn mô hình tôm - lúa trên diện tích 10 ha tại ấp Phú Hữu, sử dụng giống lúa chịu mặn từ 5‰ đến 10‰.
Theo Chương trình hành động của Huyện ủy Tân Phú Đông thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện tiếp tục mở rộng diện tích nuôi thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển ở xã chuyên ngư Phú Tân cùng với việc phát triển bền vững mô hình tôm - lúa của xã. Để thực hiện được mục tiêu này, xã Phú Tân cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ giống, vốn và bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa đối với mô hình tôm - lúa; tăng cường công tác quản lý môi trường, dịch bệnh và nâng cao chất lượng con giống.
HỮU DƯ