Thứ Sáu, 17/11/2017, 21:35 (GMT+7)
.
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ: ​

Cơ hội để hàng Việt lan tỏa

Đời sống của người dân ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ và đây cũng chính là cơ hội để hàng Việt Nam có điều kiện lan tỏa.

Sự phát triển của hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh đang tạo cơ hội cho hàng Việt lan tỏa.
Sự phát triển của hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh đang tạo cơ hội cho hàng Việt lan tỏa.

Thị trường bán lẻ của tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây phát triển khá nhanh. Bên cạnh các mô hình thương mại truyền thống là các chợ thì còn có sự gia tăng mạnh mẽ của mạng lưới bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bách hóa, đại lý phân phối… với nhiều chính sách để thu hút người tiêu dùng. Cụ thể, với sự xuất hiện của hệ thống siêu thị Co.opmart, hệ thống cửa hàng tạp hóa của Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ phường 1, hệ thống cửa hàng tạp hóa của HTX Thương mại - Dịch vụ Vĩnh Kim, hệ thống đại lý phân phối hàng hóa tiêu dùng của DNTN Thành Phát… cùng nhiều hệ thống bán lẻ khác, với hình thức kinh doanh hiện đại, hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng.  

Ở hệ thống mạng lưới bán lẻ trên của tỉnh, phần lớn hàng hóa được bày bán là những sản phẩm sản xuất trong nước, mang thương hiệu Việt uy tín, chất lượng. Bởi các loại hàng hóa đều phải trải qua không ít các vòng chọn lựa, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các nhà bán lẻ. Tiêu biểu như tại Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho, Siêu thị Co.opmart Gò Công hay hệ thống cửa hàng bách hóa của HTX Thương mại - Dịch vụ phường 1… đều có hơn 90% các mặt hàng được bày bán sản xuất trong nước, từ các loại đồ gia dụng thiết yếu đến các mặt hàng thực phẩm, may mặc, hóa mỹ phẩm...

Theo Sở Công thương, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh trong tháng 10-2017 thực hiện được 4.761,4 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3.804,7 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng năm 2017, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh thực hiện được 46.482 tỷ đồng, đạt 82,3% kế hoạch, tăng 6,1% so cùng kỳ.
 

Bà Phan Thị Dung, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho cho biết, sự xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị, cửa hàng hiện đại đã tạo rất nhiều thuận lợi trong việc mua sắm của người dân. Điều đầu tiêu phải nói đến là khách hàng có thể yên tâm về chất lượng hàng hóa, nhất là yên tâm mua được những mặt hàng Việt chính hãng; giá cả được niêm yết công khai, rõ ràng, không phải lo về giá hay mua nhầm phải hàng nhái, hàng lậu. Một yếu tố nữa là hàng hóa dồi dào không chỉ giúp người dân có nhiều lựa chọn mà giá cũng cạnh tranh hơn; nhiều ưu đãi, khuyến mãi hơn. Các chế độ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp cũng chu đáo hơn đã mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Suy nghĩ của bà Dung cũng là suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Hàng Việt chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ đã từng bước làm thay đổi thói quen người tiêu dùng. Bởi với sự hiện diện rộng rãi, đều khắp của hàng hóa Việt Nam, nhất là những cơ sở bán hàng uy tín sẽ góp phần nâng cao tình cảm, nhận thức của người dân đối với hàng sản xuất trong nước. “Nếu như trước đây, đa số người tiêu dùng ưa thích dùng hàng nước ngoài thì hiện phần đông người dân lại có xu hướng ưu tiên chọn lựa và tin dùng hàng Việt, nhất là các mặt hàng dệt may, da giày, nhóm hàng thực phẩm, rau quả...” - đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết.

Đối với các vùng nông thôn, chợ truyền thống lại là thế mạnh cạnh tranh thu hút người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp, tạo ra cơ sở hạ tầng chợ khang trang hơn, thuận lợi trong kinh doanh đã phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Điều đáng nói hơn cả là những năm gần đây, tiểu thương tại kênh phân phối hàng hóa này cũng chú trọng hơn đến việc đưa các mặt hàng Việt Nam vào chợ để đáp ứng nhu cầu cũng như xu hướng tiêu dùng hàng Việt của người dân nông thôn. Tiêu biểu như chợ Cai Lậy, chợ Gò Công… hoạt động kinh doanh khá sôi động với nhiều mặt hàng, trong đó hàng Việt kinh doanh tại các chợ này chiếm đến khoảng 70% - 80%. 

Có thể nói, thị trường bán lẻ ngày càng phát triển là tín hiệu vui đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều địa phương, thị trường bán lẻ vẫn còn những hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được mong đợi của người dân cũng như xu hướng phát triển. Do đó, để thị trường bán lẻ phát triển rộng khắp, bền vững, tạo cơ hội cho hàng Việt vươn xa, rất cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của chính các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp, các tiểu thương cùng sự đồng hành của người tiêu dùng.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.